Bộ Giao thông-Vận tải: Xác định trách nhiệm vụ sập cẩu ở cầu Ba Vì

Bộ Giao thông Vận tải vừa có công điện chỉ đạo đại diện chủ đầu tư và nhà đầu tư dự án đầu tư xây dựng cầu Việt Trì-Ba Vì, xác định trách nhiệm vụ sập cẩu làm 2 công nhân thiệt mạng.
Bộ Giao thông-Vận tải: Xác định trách nhiệm vụ sập cẩu ở cầu Ba Vì ảnh 1Một vụ sập cẩu. (Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN)

Bộ Giao thông Vận tải vừa có công điện chỉ đạo đại diện chủ đầu tư và nhà đầu tư dự án đầu tư xây dựng cầu Việt Trì-Ba Vì (nối Quốc lộ 32 và Quốc 32C theo hình thức hợp đồng BOT) thực hiện các biện pháp khắc phục sự cố tai nạn lao động làm chết hai người xảy ra chiều 19/6 vừa qua tại dự án này.

Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Ban Quản lý dự án Thăng Long (cơ quan đại diện Nhà nước có thẩm quyền tại dự án), Công ty ​Trách nhiệm hữu hạn BOT Phú Hà (chủ đầu tư) chỉ đạo nhà thầu thi công, tư vấn giám sát khẩn trương kiểm tra, rà soát toàn bộ máy móc đang tham gia thi công trên công trường, đảm bảo đủ điều kiện vè án toàn khai thác, vận hành mới được sử dụng.

[Nguyên nhân vụ sập cần cẩu tại công trường cầu Việt Trì-Ba Vì]

Công điện cũng yêu cầu các đơn vị trên chấn chỉnh công tác phổ biến và tuân thủ thực hiện hệ thống quy trình quản lý an toàn lao động, vệ sinh môi trường trên công trường.

Tại các vị trí ra, vào, giao cắt với công trường phải bố trí đầy đủ biến báo, nhân sự trực điều tiết, hướng dẫn để đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động.

Chủ đầu tư và các đơn vị liên quan cử cán bộ thăm hỏi, giải quyết chế độ chính sách thỏa đáng tuân thủ quy định pháp luật cho gia đình có người bị nạn; yêu cầu Nhà thầu thi công phối hợp với các cơ quan chức năng, đơn vị liên quan xác định chính xác nguyên nhân tai nạn, làm rõ trách nhiệm các bên liên quan, báo cáo Bộ Giao thông Vận tải xử lý theo quy định pháp luật.

“Trên công trường, đoạn tuyến, gói thầu nào để xảy ra sự việc mất an toàn lao động, an toàn giao thông, lãnh đạo các chủ thể tham gia dự án chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và pháp luật. Các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công sẽ bị xem xét trừ điểm năng lực trong quá trình dánh giá xếp hạng năm 2017,” công điện của Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo.

Trao đổi với đại diện Ban Quản lý dự án Thăng Long cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, ngày 21/6, đơn vị đã có văn bản yêu cầu Công ty Trách nhiệm hữu hạn BOT Phú Hà và tư vấn giám sát dự án phối hợp với cơ quan chức năng xác định chính xác nguyên nhân dẫn đến sự cố, trách nhiệm các bên liên quan và báo cáo Bộ Giao thông Vận tải, Ban Quản lý dự án Thăng Long.

Ban Quản lý dự án Thăng Long cũng yêu cầu tạm dừng tất cả các công việc thi công trên toàn công trường và tổ chức kiểm tra, rà soát toàn bộ biện pháp thi công, máy móc thiết bị thi công trường; yêu cầu phải đảm bảo đủ điều kiện an toàn khai thác vận hành mới được sử dụng...

“Riêng gói thầu XL.04 do Công ty cổ phần cầu 7 Thăng Long thi công và để xảy ra sự cố sập cẩu, đơn vị thi công phải có phương án khắc phục sự cố, huy động máy móc, thiết bị nhân lực triển khai thi công sau khi đã khắc phục xong sự cố.

Ban Quản lý dự án Thăng Long sẽ kiểm tra công tác an toàn lao động, vệ sinh môi trường tất cả các gói thầu, chỉ khi đảm bảo đủ điều kiện mới đồng ý cho thi công tiếp," đại diện lãnh đạo Ban Thăng Long khẳng định.

Theo báo cáo của ông Lê Minh Nghĩa, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn BOT Phú Hà, trước đó, vào hồi 14 giờ 45 phút ngày 19/6 vừa qua, khi nhà thầu đang thi công lao lắp dầm tại nhịp trụ T8 đến trụ T9 (bao gồm 5 phiến dầm super T, L=38,2m).

Khi đang cẩu phiến dầm cuối cùng lên cách mặt đất khoảng 2m, thiết bị nâng hạ dầm gặp sự cố làm rơi dầm xuống đất và kéo đổ cẩu long môn khiến công nhân lái cẩu và một người nữa thiệt mạng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục