Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2023

Năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì xây dựng, trình Chính phủ về danh mục, mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và đã được chấp thuận.
Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngày 14/1. (Ảnh: Vietnam+)
Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngày 14/1. (Ảnh: Vietnam+)

Năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục đặt trọng tâm vào tháo gỡ các rào cản để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, ngành sẽ chú trọng thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và hỗ trợ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước cho phát triển kinh tế.

Nội dung trên được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trần Quốc Phương cho biết tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023, ngày 14/1.

Xây dựng kế hoạch đầu tư công

Năm 2022, mặc dù có nhiều khó khăn thách thức, nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự điều hành linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội đất nước đã phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực; ước cả năm đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra,kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ước cả năm khoảng 3,15%. Tăng trưởng GDP ước cả năm đạt khoảng 8,02% (mục tiêu là 6-6,5%).

Cùng với đó, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia được tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện. Công tác an sinh xã hội được triển khai thiết thực, kịp thời, hiệu quả; quốc phòng, an ninh được tăng cường; độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

[Kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tài chính]

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết căn cứ Chỉ thị số 12/CT-TcTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản hướng dẫn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2023.

Trên cơ sở đó, Bộ đã tổng hợp, tham mưu Chính phủ báo cáo Quốc hội tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022, dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2023 và được Quốc hội thông qua tại các Nghị quyết số 69/2022/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 và Nghị quyết số 70/2022/QH15 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2023.

Ngoài ra, Bộ đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 cho các bộ, cơ quan trung và địa phương.

Về xây dựng và giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025,Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có các Tờ trình, Báo cáo trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủvề việc giao, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đồng thời đã trình Thủ tướng Chính phủ thông báo kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 bổ sung dự kiến. Bộ cũng đã tham mưu trình Thủ trướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 17/CT-TTg về việc đẩy mạnh phân bổ, hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Đối với danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, căn cứ Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về danh mục, mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Ngoải ra, Bộ còn tham mưu Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình triển khai thực hiện và dự kiến danh mục, mức vốn bố trí cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, Bộ đã có văn bản hướng dẫn các địa phương phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án được bổ sung vốn từ nguồn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Cụ thể hóa, triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định ngành tiếp tục phấn đấu phát huy tối đa các mặt tích cực và kết quả đạt được trong những năm 2022, từ đó khẩn trương, kiên quyết khắc phục những mặt còn hạn chế, bất cập, quyết tâm nỗ lực hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023.

Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó tiếp tục cụ thể hóa, triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng XIII và các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế tư nhân, định hướng thu hút đầu tư nước ngoài và Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.

“Tổ chức thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư,” Thứ trưởng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, vị lãnh đạo ngành cũng cho hay Bộ đang khẩn trương ban hành ngay chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2023 của Chính phủ, tiếp tục chỉ đạo sát sao, đôn đốc việc triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, báo cáo theo Chương trình công tác.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, phương thức chỉ đạo, điều hành sẽ tiếp tục đổi mới nhằm bám sát tình hình kinh tế thế giới và trong nước để kịp thời tham mưu giải pháp, chính sách phù hợp nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ rà soát cơ chế chính sách để kịp thời tham mưu điều chỉnh, xử lý những vấn đề thực tiễn đặt ra trong quản lý đầu tư công, như đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân công, phân nhiệm bảo đảm quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Ngoài ra, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng cho biết Bộ sẽ chủ trì tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện các mục tiêu dài hạn về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Đặc biệt là chủ động trong xây dựng nội dung và chủ trì tổ chức các cuộc họp Tổ điều phối kinh tế vĩ mô (Tổ 1317) nhằm kịp thời phân tích, đánh giá diễn biến tình hình kinh tế thế giới (tăng trưởng, tỷ giá, giá cả, lạm phát, sự điều chỉnh chính sách của các nước lớn, các đối tác chủ yếu….) cũng như tình hình kinh tế vĩ mô trong nước.

"Đây sẽ là căn cứ đánh giá các tác động cũng như triển vọng của nền kinh tế Việt Nam và đề xuất, kiến nghị các kịch bản ứng phó, các giải pháp kịp thời trong công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ," Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.