Lần đầu tổ chức hội nghị trực tuyến về xây dựng kế hoạch phát triển

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tạo bước đột phá trong lập kế hoạch

Việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư lần đầu tiên tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương để xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế-xã hội năm 2019 được cọi là bước đổi mới mạnh mẽ trong lập kế hoạch.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Sáng 24/9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lần đầu tiên tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương để đánh giá tình hình kinh tế-xã hội năm 2018 và xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế-xã hội năm 2019.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, đây chính là một bước “đổi mới mạnh mẽ trong công tác lập kế hoạch”.

“Năm nay, chúng tôi tiếp tục đổi mới công tác lập kế hoạch. Hiện đã có 3 hội nghị tổ chức ở 3 vùng, nhưng nhận thấy đây là thời điểm rất quan trọng để kiểm điểm, thảo luận về tình hình thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế-xã hội 2018, đề ra các giải pháp cần tập trung thực hiện những tháng cuối năm, cũng như chuẩn bị xây dựng kế hoạch năm, lần đầu tiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết định tổ chức hội nghị trực tuyến họp với các địa phương,” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đều này một lần nữa khẳng định sự đổi mới mạnh mẽ của ngành kế hoạch và đầu tư, nhằm làm sao triển khai nhanh, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội đã đặt ra, cũng như chuẩn bị cho lập kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019.

[IMF dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,6% trong năm 2018]

Đánh giá về tình hình phát triển kinh tế-xã hội năm 2018, ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, nhờ tinh thần vào cuộc mạnh mẽ của toàn hệ thống chính trị, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực, cố gắng của các bộ ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, cùng sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, các tổ chức quốc tế, tình hình kinh tế-xã hội năm 2018 tiếp tục duy trì đà chuyển biến tích cực.

Dự kiến Bộ sẽ hoàn thành 12/12 chỉ tiêu được Quốc hội giao; trong đó, dự kiến có 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt kế hoạch, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội 5 năm đã đề ra.

Cũng theo ông Trần Quốc Phương, một trong những thành tựu nổi bật của kinh tế-xã hội năm 2018 chính là kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, tạo nền tảng quan trọng để thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực.

Theo đó, tăng trưởng kinh tế theo xu hướng tích cực, tốc độ tăng trưởng GDP duy trì ở mức cao, ước đạt 6,7%, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, mô hình tăng trưởng chuyển dần sang chiều sâu.

Bên cạnh đó, chỉ số lạm phát được kiểm soát, liên tiếp trong 3 năm 2016-2018; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân duy trì ở mức dưới 4%. Thị trường tài chính duy trì tăng trưởng ổn định, tăng trưởng tín dụng ở mức 17%, đáp ứng đủ yêu cầu vốn cho nền kinh tế, nhất là lĩnh vực sản xuất - kinh doanh.

Các chỉ tiêu quan trọng khác, đó là nợ công giảm xuống từ 63,7% cuối năm 2016 xuống còn khoảng 61,4% năm 2018. Thu ngân sách nhà nước ước đạt trên 1,35 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 3% so với dự toán và tăng 5,5% so với năm 2017. Bội chi ngân sách ước đạt 3,67%, vượt mức chỉ tiêu Quốc hội giao…

Cùng với đó, các vấn đề được tập trung thảo luận còn là giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA, thu hút FDI, tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cũng như việc xây dựng thể chế mà cụ thể là sửa đổi Luật Đầu tư công, xây dựng Luật sửa đổi các Luật về Quy hoạch; Luật PPP (hợp tác công tư)…

Để hoàn thành các mục tiêu kinh tế- xã hội mà Quốc hội đã đề ra, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trước tiên phải tập trung thực hiện các giải pháp mà đã đề ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP 2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018). "Phải rà soát những gì chúng ta đã thực hiện, làm tốt và những vấn đề đang còn làm dở dang thì đẩy mạnh. Đặc biệt, những vấn đề chưa làm được phải nỗ lực tập trung giải quyết. Từ đó, làm sao để tất cả hệ thống chính trị phải nỗ lực một cách cao nhất để hoàn thành kết quả cao nhất nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 mà Quốc hội đã đề ra," Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

“Vấn đề thứ 2 là chúng ta tập trung vào các vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế. Mặc dù chúng ta đang nỗ lực triển khai, tuy nhiên đây là vấn đề không chỉ quyết định cho việc hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội 2018 mà nó còn có ý nghĩa tiền đề cho việc hoàn thành kế hoạch kinh tế -xã hội 5 năm và hơn thế nữa điều này quyết định đến việc hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội cho cả giai đoạn sắp tới” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục