Trao đổi kinh nghiệm giữa ngành kế hoạch và đầu tư Việt Nam-Lào

Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Lào được Chính phủ hai nước tin tưởng giao trọng trách làm đầu mối chủ trì thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương.
Trao đổi kinh nghiệm giữa ngành kế hoạch và đầu tư Việt Nam-Lào ảnh 1Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Văn Sơn/TTXVN)

Chiều 28/7, phiên khai mạc Hội nghị trao đổi nghiệp vụ chuyên môn giữa hai ngành Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam-Lào năm 2017 đã chính thức diễn ra tại Đà Nẵng.

Đây là hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm và tham dự Hội nghị của ông Suphan Keomisay, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Ủy ban hợp tác Lào-Việt Nam cùng đoàn đại biểu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào từ ngày 28-30/7.

Ngoài nhiệm vụ của ngành kế hoạch và đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Lào còn được Chính phủ hai nước tin tưởng giao trọng trách làm đầu mối chủ trì thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương.

Trên cơ sở đó, Hội nghị đã tập trung thảo luận và trao đổi về hợp tác song phương giữa hai nước trong thời gian qua; kiểm điểm việc thực hiện Bản thỏa thuận hợp tác giữa hai bộ giai đoạn 2016-2017 cũng như ký kết nội dung hợp tác giai đoạn 2017-2018.

Hai bên đánh giá quan hệ chính trị-đối ngoại giữa hai nước, sự gắn bó tin cậy tiếp tục được tăng cường. Hợp tác quốc phòng-an ninh ngày càng chặt chẽ, phối hợp tốt trong việc xây dựng tuyến biên giới ổn định và phát triển toàn diện.

Đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam vào Lào tiếp tục đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của Lào và hiện có 408 dự án được cấp phép với tổng vốn đầu tư khoảng 3,7 tỷ USD.

Hiệp định Thương mại song phương mới và Hiệp định Thương mại biên giới được hai bên tích cực phối hợp triển khai; kết nối giao thông vận tải có những tiến bộ tích cực. Hợp tác đào tạo ngày càng mở rộng, có hiệu quả, chất lượng đào tạo được nâng lên rõ rệt với hơn 14.000 lưu học sinh Lào đang học tập tại Việt Nam, trong đó diện hiệp định là hơn 3.400 người.

[Xây dựng tuyến biên giới Việt-Lào hòa bình, hữu nghị và phát triển]

Trong bối cảnh còn khó khăn, năm 2017, Việt Nam vẫn dành viện trợ cho Lào 850 tỷ đồng. Các dự án viện trợ được triển khai tốt, đảm bảo chất lượng và tiến độ. Ngoài ra, Việt Nam còn hỗ trợ Lào xây dựng Nhà Quốc hội với số tiền dự kiến khoảng 100 triệu USD; triển khai có hiệu quả Nghị định thư hợp tác đào tạo cán bộ giai đoạn 2017-2021...

Việc thực hiện Bản thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2016-2017 giữa hai bộ ký ngày 15/5/2016 đạt được những kết quả tích cực, góp phần vào việc tăng cường, củng cố và phát triển sự hợp tác giữa hai bộ cũng như quan hệ Việt Nam-Lào. Điển hình là hai bên thực hiện tốt công tác tham mưu để triển khai có hiệu quả Thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác Việt Nam-Lào năm 2016, thúc đẩy triển khai Hiệp định hợp tác Việt Nam-Lào giai đoạn 2016-2020.

Hai bên rà soát, thống nhất các số liệu thống kê FDI Việt Nam tại Lào; trao đổi công tác chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là công tác lập kế hoạch, giám sát, thẩm định, thống kê, quản lý và theo dõi các dự án sử dụng nguồn vốn ODA; triển khai tốt Dự án xây dựng trụ sở Ủy ban hợp tác Lào-Việt Nam cũng như các dự án sử dụng vốn viện trợ...

Để tiếp tục phát triển mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào, hai bộ đã thống nhất một số nội dung hợp tác giai đoạn 2017-2018. Cụ thể, hai bên tiếp tục tăng cường sự hợp tác toàn diện giữa hai bộ trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư; phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư tại mỗi nước; giải quyết các vướng mắc, tồn đọng đối với các dự án đầu tư đã được cấp phép.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam tiếp tục giúp Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ kế hoạch và đầu tư cho cán bộ ngành kế hoạch và đầu tư Lào; trong đó tập trung vào lĩnh vực thẩm định và giám sát đầu tư, thanh tra, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công tác tổ chức, công tác lãnh đạo văn phòng...

Cùng với đó, thống nhất cần có những giải pháp mang tính đột phá trong việc thực hiện các Thỏa thuận cấp cao Việt Nam-Lào, tập trung vào việc tăng cường quan hệ chính trị, phối hợp tổ chức tốt các sự kiện nhân “Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Lào 2017."

Theo yêu cầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam tiếp tục cử chuyên gia, giảng viên sang tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ ngành kế hoạch và đầu tư cấp cơ sở, địa phương của Lào; trao đổi và thông báo cho nhau những ấn phẩm, thông tin, tư liệu nghiệp vụ; các văn bản ban về quản lý hành chính, các chương trình kế hoạch; dịch ra hai thứ tiếng các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.