Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là một trong những vấn đề nóng được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương thông tin tại buổi họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức tối 4/7, tại Hà Nội.
Nỗ lực các giải pháp
Ông Phương cho biết dự kiến đến 30/6, các dự án đầu tư công giải ngân khoảng 216.000 tỷ đồng, đạt 30,49% kế hoạch Thủ tướng giao, cao hơn cùng kỳ năm ngoái (27,75%), số tuyệt đối cao hơn năm ngoái khoảng 65.000 tỷ đồng. Điều này cho thấy chuyển biến tích cực trong việc giải ngân vốn đầu tư công.
Có được kết quả trên, theo ông Phương là nhờ các giải pháp rất quyết liệt ngay từ đầu năm về thúc đẩy giải ngân mà Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo đồng thời thể hiện sự nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành, địa phương trong việc quan tâm, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
[Bộ Giao thông Vận tải đã giải ngân được hơn 36% vốn đầu tư công]
Trong khi đó, kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công cả năm 2023 lên tới khoảng 711.000 tỷ đồng. Ông Phương cho rằng đây là nhiệm vụ khá lớn, nặng nề trong 6 tháng cuối năm, đòi hỏi các bộ, ngành tiếp tục nỗ lực các giải pháp đã triển khai từ đầu năm và triển khai mạnh mẽ hơn trong 6 tháng cuối năm để làm sao đáp ứng được mục tiêu giải ngân đạt tối thiểu 95% tổng kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao.
Trước đó, tại Kỳ họp Quốc hội vừa qua đã quyết nghị tháo gỡ cho vấn đề đầu tư công, cho phép tiếp tục giao vốn trung hạn vào các dự án Chương trình phục hồi Phát triển kinh tế-xã hội… từ đó sẽ tạo điều kiện có thêm dự án để triển khai cuối năm…
Bên cạnh đó, Quốc hội cho phép điều hòa linh hoạt giữa nguồn vốn của chương trình phục hồi và các dự án kế hoạch đầu tư trung hạn, để đáp ứng yêu cầu Nghị quyết 43, phấn đấu giải ngân hết trong năm 2023 đúng theo yêu cầu của Quốc hội, đó là những điểm thuận lợi để tin tưởng vào sự điều hành của Chính phủ.
Sẽ có nghị quyết về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Liên quan tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng từ nay đến cuối năm, tình hình còn tiếp tục khó khăn. Vỉ vậy, mục tiêu tăng trưởng kinh tế theo nghị quyết của Quốc hội 6,5% cả năm là nhiệm vụ hết sức nặng nề.
Mặc dù Bộ Kế hoạch và Đầu tư có đưa ra một kịch bản thấp hơn một chút, tăng trưởng ở mức 6% thì tăng trưởng quý 3 cũng phải đạt 6,8% và tăng trưởng quý 4 phải là 9%. Đây là 2 con số khá thách thức.
“Nếu muốn đạt mục tiêu 6,5% của Quốc hội thì tăng trưởng quý 3 tối thiểu phải 7,4% và quý 4 phải 10,3%. Mặc dù quý 3 của năm 2022 chúng ta đã đạt con số trên 10% rồi, nhưng năm nay khó hơn rất nhiều so với năm ngoá,” ông Phương nói.
Cũng theo ông, trên cơ sở quan điểm chỉ đạo điều hành của Thủ tướng cũng như của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất nhóm chính sách giải pháp đồng thời trên cơ sở kết quả của 27 đoàn công tác của Chính phủ đi làm việc với địa phương thời gian vừa qua, bộ cũng dự thảo nghị quyết chuyên đề đặc biệt cho 6 tháng cuối năm với tên gọi Nghị quyết về bảo đảm kinh tế vĩ mô thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường kỷ luật, kỷ cương cải cách hành chính.
"Nghị quyết này cũng đã được trình xin ý kiến Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương. Thời gian tới đây Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp thu, giải trình và hoàn thiện dự thảo nghị quyết để trình Chính phủ xem xét ban hành. Đây cũng là nghị quyết tập trung rất nhiều giải pháp để phấn đấu thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, xã hội từ nay đến cuối năm," ông Phương thông tin thêm./.