Bộ LĐ-TB&XH: Không ai bịa số liệu lao động qua đào tạo để lừa thiên hạ

Lãnh đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã có những phân tích phản bác lại những ý kiến cho rằng chỉ tiêu lao động qua đào tạo hiện nay không còn phù hợp để đánh giá chất lượng nguồn nhân lực.
(Ảnh minh họa: TTXVN)

Tại buổi tọa đàm chuẩn bị thẩm tra tình hình kinh tế -xã hội năm 2018 do Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức cuối tháng Chín, một số chuyên gia cho rằng chỉ tiêu lao động qua đào tạo hiện nay không còn phù hợp để đánh giá chất lượng nguồn nhân lực, thậm chí còn cho rằng con số này là bịa và cần bỏ.

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp đã có những phân tích phản bác lại những ý kiến này.

"Không ai bịa số liệu"

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp khẳng định: “ Số liệu công bố về tỷ lệ lao động qua đào tạo là hoàn toàn có cơ sở, từ dữ liệu của 21 triệu hộ gia đình chứ không ai bịa ra số liệu này và có ý định lừa thiên hạ.”

Từ năm 2014, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội được Chính phủ giao nhiệm vụ thu thập, tổng hợp chỉ tiêu “tỷ lệ lao động đã qua đào tạo”. Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, để tổng hợp tính toán chỉ tiêu này, Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) đã dựa trên cơ sở dữ liệu cung lao động được cập nhật hằng năm.

Cơ sở dữ liệu cung lao động gồm có các thông tin cơ bản về nhân khẩu học, trình độ giáo dục phổ thông, trình độ chuyên môn kỹ thuật, lĩnh vực giáo dục-đào tạo, tình trạng hoạt động kinh tế của người lao động… do Ủy ban Nhân dân cấp xã triển khai thu thập, cập nhật dữ liệu hàng năm và hiện có thông tin của 21 triệu hộ gia đình.

[Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: 2018 là năm đột phá về giáo dục nghề nghiệp]

“Từ cơ sở dữ liệu cung lao động cho biết được chi tiết trình độ chuyên môn kỹ thuật cao nhất mà người lao động đạt được, theo đó, tỷ lệ này qua các năm như sau: Năm 2014 là 49,14%; năm 2015- 52,60%; năm 2016- 53,00%; năm 2017- 56,10% và ước tính năm 2018 là 58,6%,” Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nói.

Lớp học đào tạo nghề cho lao động nông thôn. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Theo số liệu điều tra của Tổng cục Thống kê cũng, 11,51% lao động Việt Nam có kỹ năng cao, khoảng 50,65% lao động có kỹ năng trung bình và hơn 36,67%% thuộc kỹ năng thấp. Nói cách khác, khoảng 63% lao động được xếp loại có kỹ năng trung bình trở lên do được đào tạo từ trường lớp hoặc được đào tạo tại nơi làm việc.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho rằng, số liệu cập nhật từ cơ sở dữ liệu Cung lao động do Bộ Lao động tổ chức và số liệu điều tra lao động việc làm của Tổng cục Thống kê tiến hành là không có mâu thuẫn, tương đối đồng nhất.

Tồn tại hai chỉ tiêu

Đối với việc đánh giá chất lượng nguồn nhân lực, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp thừa nhận phải dùng rất nhiều chỉ tiêu, không phải một chỉ tiêu đơn lẻ là có thể đo lường được. Hiện nay, ILO có hai bộ chỉ tiêu đã được sử dụng là “Các chỉ tiêu chính của thị trường lao động” và “Tiêu chuẩn quốc tế về phân loại nghề nghiệp”.

Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, hai bộ chỉ tiêu này bổ sung cho nhau, ILO cũng như các nước thành viên của ILO hiện nay vẫn đang sử dụng cả hai bộ chỉ tiêu.

Soi vào thực tiễn của Việt Nam, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho hay, có hai chỉ tiêu về lao động qua đào tạo. Tỷ lệ lao động qua đào tạo chung chính là tính tiêu chuẩn quốc tế về phân loại nghề nghiệp dưới tên gọi tỷ lệ lao động có kỹ năng từ trung bình trở lên và đã tính đến cả số lao động qua đào tạo tại nơi làm việc. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ chính là tính theo chỉ tiêu về trình độ giáo dục cao nhất đạt được trong bộ chỉ tiêu về thị trường lao động.

“Cả hai chỉ tiêu này đều được đề cập trong trong các luật, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng,” Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp khẳng định./.

Nghịch lý cử nhân đi học nghề. (Nguồn: VNEWS)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục