Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Vận động thanh niên chọn việc làm phù hợp

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng khuyến khích xã hội học tập, học cao, học rộng nhưng cũng cần vận động thanh niên tự lựa chọn việc làm phù hợp với năng lực, sở trường.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Vận động thanh niên chọn việc làm phù hợp ảnh 1Dạy nghề cho thanh niên. (Nguồn: TTXVN)

Trong phần chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, nhiều đại biểu quan tâm đến vấn đề thực trạng thị trường lao động ở Việt Nam hiện nay; vấn đề giải quyết việc làm cho sinh viên mới ra trường và người lao động thất nghiệp.

Khắc phục tình trạng chất lượng lao động thấp

Đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) nêu thực trạng chất lượng lao động Việt Nam hiện nay còn rất thấp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, cơ cấu ngành nghề đào tạo còn nhiều bất cập, thiếu lao động trình độ cao, hệ thống giáo dục hướng nghiệp, đào tạo nghề chưa đáp ứng nhu cầu thị trường lao động... Đây chính là nguyên nhân làm năng suất lao động Việt Nam thấp, thua xa so với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực.

Đặc biệt, trước thực tế lao động phổ thông tại các doanh nghiệp đang bị máy móc dần thay thế và yêu cầu kỹ năng lao động ngày càng cao, trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đại biểu Trần Văn Mão đề nghị Bộ trưởng đưa ra các giải pháp căn cơ để khắc phục những hạn chế, thách thức nêu trên trong thời gian tới.

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết ngày 2/6 vừa qua, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã báo cáo Chính phủ và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao cho Bộ chủ trì xây dựng Đề án để nâng cao chất lượng và điều chỉnh cơ cấu lao động phù hợp với cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó, một số nội dung cần quan tâm là: tập trung xử lý và tìm cách để giải quyết được 215.000 sinh viên và người lao động có trình độ đại học trở lên đang thất nghiệp; chăm lo, giải quyết và phân luồng "mạnh" lực lượng lao động vào tuổi; đào tạo và đào tạo lại người lao động đang làm việc nhưng có nguy cơ mất việc, sa thải, đặc biệt ở ba lĩnh vực: giày da, dệt may, công nghệ.

Vận động thanh niên tự lựa chọn việc làm phù hợp

Đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận) dẫn chứng nội dung nhiều cử tri phản ánh, kiến nghị đó là: số sinh viên tốt nghiệp ra trường vẫn thất nghiệp và xu hướng ngày càng tăng lên và ở mức cao. Năm 2015 ở mức 7,03%, năm 2016 là 7,34%, năm 2017 là 7,51%. Thực trạng trên cho thấy sự lãng phí lớn về nguồn lực xã hội và cũng là nỗi lo, nỗi bức xúc của nhiều gia đình và xã hội.

Với trách nhiệm đứng đầu của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng có những giải pháp căn cơ nhằm tạo sự chuyển biến thực chất và có hiệu quả về tình trạng trên trong thời gian tới? - đại biểu Cảnh đặt câu hỏi

Giải đáp nội dung này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết đây là hệ lụy kéo dài một năm có khoảng 700.000 người tham gia vào thị trường mới, trong đó số thất nghiệp hiện nay vẫn duy trì trong khoảng 200 người. Tuy nhiên đây là việc không cần lo lắng, việc cần quan tâm chính là chất lượng.

Theo Bộ trưởng, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp: thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 5 về phát triển doanh nghiệp và thị trường, tạo ra việc làm mới cho thanh niên, sinh viên. Tiếp đó, cần nâng cao chất lượng phân tích, dự báo thị trường lao động làm cơ sở cung cấp nguồn nhân lực, bởi nếu không làm tốt công tác dự báo cung-cầu sẽ chỉ đào tạo được nội dung các trường cần chứ không phải thị trường lao động cần. Cần làm tốt công tác dự báo cung-cầu lao động trong khối giáo dục nghề nghiệp, thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; xây dựng Đề án hỗ trợ thanh niên, sinh viên khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh đồng thời, cần tuyên truyền, giáo dục, vận động thanh niên tự tìm kiếm việc làm và không coi việc vào đại học là con đường duy nhất trong lập thân, lập nghiệp.

"Khuyến khích xã hội học tập, học cao, học rộng nhưng cũng cần vận động thanh niên tự lựa chọn việc làm phù hợp với năng lực, sở trường, khả năng của chính mình - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Xây dựng Đề án đào tạo đối với lao động chưa có bằng cấp

Tham gia giải trình, làm rõ hơn các nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết việc thống kê đầy đủ về mức độ đào tạo, tỷ lệ lao động được đào tạo có việc làm, tỷ lệ chưa có việc làm... của Việt Nam hiện nay vẫn chưa được làm tốt. Số liệu thống kê về bằng đại học, cao đẳng, trung cấp đã làm tương đối tốt nhưng thống kê về đào tạo khác không có chứng chỉ lại không tốt.

Phó Thủ tướng phân tích cụ thể, việc thống kê các số liệu của Việt Nam hơi khác với các nước trên thế giới. Các số liệu thống kê của Việt Nam chủ yếu là thống kê về trình độ chứ không phải thống kê về lao động. Cơ cấu lao động theo trình độ của Việt Nam là "hình thắt ở giữa;" nhưng cơ cấu lao động của thị trường Việt Nam lại đúng với mô hình của các nước đang phát triển - "hình chóp." Ở các nước kém phát triển, hình chóp rất cao; ở những nước đang phát triển hình chóp thấp hơn, tương tự như như "hình tam giác đều;" ở các nước phát triển, mô hình được ví như "củ khoai tây" hoặc "quả trứng." Tại Việt Nam, mô hình lao động đang là hình tháp và có dấu hiệu chuyển dần sang hình "trứng" hoặc "củ khoai tây."

Theo Phó Thủ tướng, thời gian tới cần cải cách hệ thống giáo dục, bao gồm cả hệ thống phổ thông, dạy nghề, trên đại học; mặt khác ngành Lao động-Thương binh và Xã hội cần đẩy mạnh đào tạo đối với 32 triệu lao động chưa có bằng cấp. Việc này đã được Bộ trưởng Đào Ngọc Dung báo cáo Chính phủ; Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo để xây dựng Đề án tăng cường đào tạo số lao động này.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục