Bộ Luật Lao động mới: Doanh nghiệp lúng túng vì chậm có hướng dẫn

Với quy định mở động đối tượng áp dụng của Bộ Luật Lao động năm 2019, các doanh nghiệp sẽ phải tiến hành rà soát tất cả người làm việc theo các hợp đồng, thoả thuận để không vi phạm các quy định mới.
Bộ Luật Lao động mới: Doanh nghiệp lúng túng vì chậm có hướng dẫn ảnh 1(Ảnh minh họa: Thanh Long/TTXVN)

Bộ Luật Lao động mới được Quốc hội thông qua cuối năm 2019 và có hiệu lực từ 1/1/2021. Trong khi Bộ Luật Lao động mới có rất nhiều sự thay đổi về quan hệ lao động, nhưng phải đến cuối tháng 12/2020, khi chưa đầy một tháng trước khi Bộ Luật Lao động 2019 có hiệu lực thì các nghị định hướng dẫn mới được ban hành. Có lẽ chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp có hơn một năm để chuẩn bị cho bộ luật mới vẫn không khỏi lúng túng khi áp dụng các quy định mới.

Tại hội thảo “Cập nhật băn bản hướng dẫn Bộ Luật Lao động 2019” được tổ chức ngày 19/1 tại Hà Nội, ông Mai Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), cho biết mục đích sửa đổi Bộ Luật Lao động năm 2019 là nhằm giải quyết căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành sau 5 năm áp dụng trên thực tế và tạo khung pháp lý thông thoáng, linh hoạt hơn về tuyển dụng, sử dụng lao động góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh.

Theo ông Mai Đức Thiện, Bộ Luật Lao động năm 2019 sẽ có 4 nghị định và 2 thông tư hướng dẫn, trong đó Chính phủ đã ban hành 3 nghị định: Nghị định số 135/2020/NĐ-CP điều chỉnh tuổi hưu; Nghị định số 145/2020/NĐ-CP về điều kiện lao động và quan hệ lao động; Nghị định số 152/2020/NĐ-CP về lao động nước ngoài và lao động Việt nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài và một thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH về hợp đồng lao động, hội đồng thương lượng tập thể và nghề công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh con.

Còn lại thông tư về danh mục nghề công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm đang chuẩn bị ban hành trong thời gian gần. Nghị định về tổ chức đại diện người lao động ở cơ sở và thương lượng tập thể đang xây dựng và chưa ban hành.

Ông Trần Nguyên Trung, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn I-GLOCAL cho rằng việc ban hành các nghị định hướng dẫn hơi sát thời điểm Bộ Luật Lao động năm 2019 có hiệu lực, trong khi đó luật đã ra nhưng còn nhiều điểm mới của luật mà doanh nghiệp chưa hiểu rõ để áp dụng.

“Trong quá trình tư vấn cho 1.000 doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, chúng tôi nhận được rất nhiều cũng câu hỏi của doanh nghiệp, trong đó có những câu hỏi mà cả đơn vị tư vấn và doanh nghiệp nên định hướng như thế nào. Doanh nghiệp thường gặp khó khăn với các quy định cấp giấy phép cho lao động nước ngoài, thời gian làm thêm... làm sao vừa tuân thủ pháp luật vừa phải đảm bảo tính hiệu quả trong quá trình sản xuất kinh doanh,” ông Trần Nguyên Trung cho biết.

Một trong những điểm mới tác động lớn của Bộ Luật Lao động năm 2019 là mở rộng đối tượng áp dụng của bộ luật. Định nghĩa của người lao động được sửa từ “làm việc theo hợp đồng lao động” thành “… làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận …”. Như vậy, ngay cả những người làm việc không ký kết hợp đồng lao động cũng nằm trong phạm vi áp dụng của luật mới.

“Trong thực tiễn thi hành luật, có những doanh nghiệp không muốn ký hợp đồng lao động, thoả thuận việc làm để trốn tránh các nghĩa vụ về đóng bảo hiểm nên có những hợp đồng tên gọi khác hợp đồng tư vấn, hợp đồng chuyên gia, hợp đồng khoán công, dịch vụ vệ sinh, nấu ăn, bảo vệ, kho vận... Do đó Bộ Luật Lao động năm 2019 đã sửa đổi mở rộng đối tượng áp dụng với mong mốn doanh nghiệp có trách nhiệm hơn với lao động những lao động làm việc giống lao động chính thức,” ông Mai Đức Thiện nói.

Đại diện một doanh nghiệp cho biết hiện nay doanh nghiệp này đang thuê nhân viên vệ sinh làm việc dọn dẹp 2 tiếng/ngày và trả lương 2,5 triệu đồng/tháng nhưng không ký hợp đồng lao động. Vậy theo những quy định mới thì trường hợp này có phải là hợp đồng lao động và phải đóng bảo hiểm cho lao động hay không?

Ông Mai Đức Thiện lý giải, Bộ Luật Lao động năm 2019 quy định rõ trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp động lao động. Do đó, ông Mai Đức Thiện khuyến cáo doanh nghiệp nên tiến hành rà soát tất cả đối tượng người làm việc theo các hợp đồng để phân tích và xử lý, giải quyết đúng theo quy định của Bộ Luật Lao động./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục