Bộ NN&PTNT khuyến cáo tạm dừng đưa hàng nông sản lên Lạng Sơn

Các tỉnh, thành phố rà soát, thông báo tới các doanh nghiệp, trước mắt tạm dừng đưa hàng nông sản, nhất là mặt hàng hoa quả lên khu vực Lạng Sơn để chờ thông quan hết số hàng đang tồn đọng.
Bộ NN&PTNT khuyến cáo tạm dừng đưa hàng nông sản lên Lạng Sơn ảnh 1Xe nông sản được bố trí dừng đỗ tại khu xuất nhập cảnh Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị để giảm thiểu ùn ứ. (Ảnh: Quang Duy/TTXVN)

Trước việc dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, một số địa phương phía Trung Quốc đã tăng cường nhiều biện pháp kiểm soát dịch bệng, ngăn chặn lây nhiễm từ nước ngoài vào nội địa khiến việc xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường này gặp khó khăn.

Ngày 9/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có văn bản nhằm tháo gỡ vấn đề này.

Xuất khẩu nông sản Việt Nam bị ảnh hưởng

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, từ ngày 3/4, phía Quảng Tây (Trung Quốc) đã ban hành thông báo về việc tăng cường quản lý dịch bệnh từ nước ngoài tại các cửa khẩu đường bộ và đường thủy, theo đó thực hiện quản lý nghiêm cửa khẩu và các đường mòn biên giới.

Ngoài cửa khẩu Hữu Nghị Quan (Bằng Tường), cửa khẩu Đông Hưng (Đông Hưng); các cửa khẩu (lối mở) khác gồm cửa khẩu đường sắt Bằng Tường, cửa khẩu Thủy Khẩu (huyện Long Châu), cửa khẩu Ái Điểm (huyện Ninh Minh), cửa khẩu Động Trung (Khu Phòng Thành), lối mở Pò Chài (Bằng Tường), lỗi mở Lũng Vài (Bằng Tường), cầu phao tạm km3 4 (Đông Hưng), lối mở Nà Ráy (Tịnh Tây) chỉ duy trì chức năng thông quan hàng hóa; tạm thời đóng các cửa khẩu, lối mở khác, thực hiện phòng dịch nghiêm ngặt đối với hoạt động trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới. Tại các cửa khẩu trên bộ, cấm thông hành đối với người của nước thứ 3.

Từ ngày 30/3, phía Trung Quốc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, quản lý chặt chẽ các lái xe và đại lý khai báo Hải quan người Trung Quốc sang khu vực cách ly phía Việt Nam để giao dịch; không cho phép các lái xe đến từ các tỉnh đã có ca bị lây nhiễm của Việt Nam nhập cảnh vào Trung Quốc.

Phía Trung Quốc cũng đề nghị thành lập đội lái xe chuyên trách tại cửa khẩu chở hàng qua lại cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan và cặp cửa khẩu phụ Tân Thanh - Pò Chài sẽ áp dụng từ ngày 7/4; yêu cầu lái xe đến từ các tỉnh chưa phát sinh ca bị lây nhiễm dịch bệnh không được ra khỏi địa bàn thành phố Lạng Sơn và phải có kết quả xét nghiệm âm tính đối với COVID-19; chỉ những người có tên trong danh sách Đội lái xe mới được xuất cảnh, nhập cảnh chở hàng hóa xuất nhập khẩu qua lại hai bên.

Theo thông báo từ phía thị Bằng Tường (Quảng Tây, Trung Quốc), từ ngày 7/4, các cửa khẩu phụ: Tân Thanh, Cốc Nam chỉ thông quan 5 tiếng/ngày (buổi sáng từ 08 giờ 00 đến 11 giờ 00, buổi chiều từ 12 giờ 00 đến 14 giờ 00, giờ Hà Nội), nghỉ vào các ngày cuối tuần và dịp lễ, tết.

Phía Trung Quốc tiếp tục tăng cường quản lý đối với xe hàng và lái xe qua biên giới. Đối với xe hàng xuất nhập cảnh, tiến hành khử trùng kỹ theo quy trình liên quan; yêu cầu đăng ký đối với tất cả lái xe chở hàng qua biên giới, thực hiện vận tải theo điểm và tuyến cố định. Xe hàng Việt Nam thực hiện bốc dỡ tại bãi hàng được chỉ định tại khu vực cửa khẩu, lái xe phía Việt Nam chỉ được giới hạn hoạt động tại khu vực bãi hàng và xuất cảnh trong ngày.

Ngoài ra, phía bạn cũng thông báo cửa khẩu Tân Thanh - Pò Chài ngày 8-9/4 làm việc từ 7 giờ 30 theo giờ Hà Nội; sau 14 giờ chiều không cho xe hàng sang nữa và đúng 16 giờ 30 hết giờ làm việc (theo giờ Hà Nội), lái xe chưa giao được hàng sẽ được bố trí về qua mốc 1090 (đường cũ).

[Lạng Sơn triển khai giải pháp hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu]

Bộ NN&PTNT khuyến cáo tạm dừng đưa hàng nông sản lên Lạng Sơn ảnh 2Xe nông sản ùn ứ dài trên Quốc lộ 1A khu vực thị trấn Đồng Đăng, Lạng Sơn. (Ảnh: Quang Duy/TTXVN)

Ứng phó thế nào?

Trước tình hình biến động ở các cửa khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị các tỉnh, thành phố Chỉ đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công Thương rà soát, thông báo tới các doanh nghiệp trước mắt tạm dừng đưa hàng nông sản, nhất là mặt hàng hoa quả lên khu vực Lạng Sơn để chờ thông quan hết số hàng đang tồn đọng tại cửa khẩu.

Đặc biệt, tỉnh Lạng Sơn và các địa phương biên giới chủ động bám sát tình hình, kịp thời thông báo tới các địa phương cả nước về tiến độ thông quan trong thời gian tới.

Cơ quan quản lý cũng đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; thường xuyên theo dõi sát tình hình sản xuất và lưu thông nông sản ở địa phương, không bị ứ đọng cục bộ, kịp thời thông báo tình hình đến các doanh nghiệp và người sản xuất để chủ động trong điều chỉnh kế hoạch sản xuất và nhu cầu của thị trường tiêu thụ.

Ngoài ra, các địa phương cần chỉ đạo các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tăng cường thu mua nông sản nhất là rau củ quả, thủy sản, tăng cường công tác quản lý chất lượng, chế biến phục vụ nhu cầu tiêu thụ, xuất khẩu; khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua, cung ứng thị trường trong nước.

Địa phương cũng cần thực hiện các giải pháp ứng phó với tình hình dịch bệnh, trong đó định hướng các doanh nghiệp xuất khẩu chủ động chuyển hướng thị trường; chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra giám sát, kiên quyết xử lý các hành vi trục lợi ép giá, gian lận thương mại, gây tâm lý hoang mang cho người sản xuất và người tiêu dung.

Đối với các Hiệp hội ngành hàng nông lâm thủy sản, cộng đồng doanh nghiệp, Bộ yêu cầu thường xuyên cập nhật thông tin chính xác, điều chỉnh kế hoạch xuất khẩu hàng hóa nông lâm thủy sản, bám sát tình hình, cập nhật thông tin từ các cơ quan chức năng, các tỉnh biên giới về tình hình thông quan, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc trong thời gian tới.

Các hiệp hội cần động viên các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản nhất là các sản phẩm phục vụ chế biến tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đề nghị Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành làm việc phía các tỉnh biên giới của Trung Quốc để kiến nghị cho nhập khẩu nông sản qua tất cả các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, góp phần tăng khả năng thông quan, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu hiện nay.

Trong diễn biến liên quan, ngày 9/4, trong thư tới Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam và Tổng cục Hải quan nước này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị phía bạn quan tâm chỉ đạo lực lượng Hải quan các địa phương tiếp giáp với Việt Nam tăng cường hợp tác, khắc phục các khó khăn trước mắt, kéo dài thời gian làm việc thông quan hàng ngày, tạo mọi điều kiện thông thoáng về thủ tục, nhất là thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa và thủ tục kiểm dịch xuất nhập cảnh qua biên giới./.

Toàn tuyến các cửa khẩu Việt Nam – Trung Quốc tại 07 tỉnh biên giới phía Bắc hiện có 34 cửa khẩu, bao gồm: 07 cửa khẩu quốc tế, 07 cửa khẩu chỉnh, 20 cửa khẩu phụ.

Trong 3 tháng đầu năm 2020, tổng số xe hàng hóa Việt Nam đã xuất khẩu sang Trung Quốc qua các cửa khẩu tuyến biên giới phía Bắc đạt 38.493 xe; ở chiều nhập khẩu ghi nhận 32.635 xe hàng hóa nguyên phụ liệu.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.