Bộ NN&PTNT: Phải giảm nhanh lượng thuốc bảo vệ thực vật độc hại

Ngày 15/5, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường yêu cầu, phải giảm nhanh lượng thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là nhóm thuốc trừ cỏ, thuốc có độc tố cao.
Bộ NN&PTNT: Phải giảm nhanh lượng thuốc bảo vệ thực vật độc hại ảnh 1Toàn bộ lượng rác thải thuốc bảo vệ thực vật chuẩn bị đưa đi tiêu hủy. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Tại hội nghị “Định hướng công tác bảo vệ thực vật trong tình hình mới” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức ngày 15/5, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường yêu cầu, phải giảm nhanh lượng thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là nhóm thuốc trừ cỏ, thuốc có độc tố cao.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, hiện nay, Việt Nam đang sử dụng thuốc bảo vệ thực vật 100.000 tấn/năm. Vẫn còn những tồn tại, bất cập lớn đó là sự lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật gây độc hại cho chính người sản xuất, cộng đồng, giảm sự cạnh tranh sản phẩm, giảm sinh thái môi trường, gây thoái hóa đất đai… Thuốc bảo vệ thực vật vẫn lệ thuộc nhập khẩu.

Do đó, trước hết phải giảm về cơ học, đặc biệt phải có lộ trình ngay với nhóm thuốc trừ cỏ, nhóm có độc tố cao được sản xuất đã lâu mà hiện không phù hợp nhiều với sinh thái; nhóm thuốc quá nhiều trên một đối tượng cây trồng, điển hình thuốc bảo vệ thực vật cho lúa chiếm 30% loại thuốc.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Việt Nam đã hình thành được hệ canh tác đáp ứng nhu cầu nguồn lương thực đảm bảo trong nước và xuất khẩu; trong đó, có vai trò quan trọng của bảo vệ thực vật.

Tuy nhiên, ngành còn những tồn tại, bất cập lớn đó là sự lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật gây độc hại cho chính người sản xuất, cộng đồng, giảm sự cạnh tranh sản phẩm, giảm sinh thái môi trường, gây thoái hóa đất đai…

Trước những thách thức lớn về biến đổi khí hậu sẽ làm tăng nguy cơ rủi ro dịch bệnh, hội nhập toàn cầu ngày càng sâu rộng trong thời kỳ 4.0, các quốc gia có nền nông nghiệp hiện đại đòi hỏi ngành bảo vệ thực vật phải tiếp tục tái cơ cấu phù hợp với tình hình mới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu.

Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, trong thời gian qua, đã có nhiều tiến bộ kỹ thuật, mô hình sản xuất thân thiện với môi trường được triển khai, nhân rộng đến nông dân, cụ thể như Chương trình 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm và mô hình “công nghệ sinh thái;” Chương trình thâm canh lúa cải tiến (SRI); Chương trình gieo sạ né rầy…

[Xếp hạng 13 tỉnh, thành quản lý tốt thực phẩm nông, lâm, thủy sản]

Ông Hoàng Trung cho rằng, việc liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ là xu hướng tất yếu trong sản xuất hàng hóa, thị trường hóa sản xuất nông nghiệp để đảm bảo có thể quản lý tốt việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón nhằm đảm bảo yêu cầu về an toàn thực phẩm cho sản phẩm.

Liên kết sản xuất còn là yếu tố quan trọng để tổ chức thu gom bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, không để gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, các chuỗi liên kết cũng là tiền đề quan trọng để áp dụng các công nghệ 4.0 vào thực tế sản xuất.

Ông Hoàng Trung cho biết, ngành sẽ tiếp tục rà soát, quản lý chặt chẽ vật tư nông nghiệp ở tất cả các khâu từ khảo nghiệm, đăng ký đến sử dụng.

Kiên quyết hoàn thiện đủ các căn cứ khoa học để loại bỏ các loại vật tư nông nghiệp kém chất lượng, gây hại cho sức khỏe con người và môi trường ra khỏi danh mục.

Rút ngắn 30% số lượng tên thương phẩm trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam; tăng 30% lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học được đăng ký và sử dụng.

Bên cạnh đó, Cục Bảo vệ Thực vật sẽ hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đồng thời rà soát, siết chặt hệ thống phòng thử nghiệm, tổ chức chứng nhận hợp quy để đảm bảo quản lý tốt chất lượng vật tư nông nghiệp.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu, ngành bảo vệ thực vật phải phối hợp cùng các đơn vị kiểm soát, ngăn chặn tình trạng thuốc nhập lậu. Đây là thuốc sẽ không kiểm soát được số lượng, chất lượng và không kiểm soát được quá trình sử dụng. Đồng thời chấn chỉnh mạng lưới cung ứng thuốc bảo vệ thực vật, nhất là khâu dịch vụ trung gian.

Bên cạnh đó, hướng các nhà sản xuất, phân phối, người sử dụng vào sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường như thuốc bảo vệ thực vật sinh học để thay thế dần các nhóm thuốc hóa học. Tăng cường tuyên truyền đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất thân thiện môi trường vào sản xuất.

Đối với người sản xuất phải tham gia sản xuất chuỗi, hình thành vùng sản xuất với các đối tượng cây trồng sẽ có kỹ sư hướng dẫn phương thức trồng trọt. Khi đó sẽ chỉ phun khi đúng bệnh, đúng thời điểm, liều lượng….

“Phải chấp nhận lấy hiệu quả kinh tế ở mức độ phù hợp, bền vững, chứ không phải mục tiêu tối cao là năng suất, sản lượng cao,” Bộ trưởng nêu rõ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.