Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 15/3, thịt lợn và sản phẩm thịt lợn nhập khẩu đạt gần 25.300 tấn, tăng 205% so với cùng kỳ năm 2019.
Cụ thể, nhập khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn từ Canada tăng 29%, Đức trên 19%, Ba Lan 12%, Brazil 12%, Hoa Kỳ 5,5%.
Bên cạnh đó, thịt trâu, bò và sản phẩm thịt trâu, bò nhập khẩu cũng tăng khá. Thịt bò đạt hơn 14.160 tấn, tăng 217% so với cùng kỳ năm 2019; thịt trâu 19.356 tấn, tăng 128%. Thịt trâu nhập khẩu 100% từ Ấn Độ; thịt bò nhập khẩu chủ yếu từ Australia, Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Canada, Đan Mạch...
Thịt gia cầm và sản phẩm thịt gia cầm nhập khẩu đạt hơn 48.300 tấn; tăng 86% so với cùng kỳ năm 2019. Các sản phẩm này chủ yếu nhập khẩu từ Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Brazil, Ba Lan, Tây Ban Nha...
[Thủ tướng yêu cầu sớm giảm giá thịt lợn, cung cấp đủ số lượng]
Ngoài ra, nhập khẩu thịt dê, cừu và sản phẩm thịt dê, cừu cũng đạt hơn 72 tấn, tăng so với cùng kỳ năm 2019.
Để chủ động ứng phó, cũng như bảo đảm nguồn cung thịt lợn, Cục Thú y cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh việc hướng dẫn, đôn đốc tái đàn lợn, tăng đàn lợn theo nguyên tắc bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Tuy nhiên, do thời gian tái đàn cần từ 5-7 tháng, nên từ tháng 3/2020 trở đi sản lượng thịt lợn sẽ tăng; trong đó có chỉ đạo chăn nuôi tăng cả trọng lượng lợn và số lượng lợn.
Cục Chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông quốc gia thành lập các tổ công tác kỹ thuật đến trực tiếp các địa phương để phối hợp, hướng dẫn việc tổ chức tái đàn, tăng đàn lợn.
Đối với nguồn thịt lợn nhập khẩu, Cục Thú y đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao chỉ đạo các cơ quan trực thuộc khẩn trương hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm các nguồn hàng hợp lý tại các nước xuất khẩu; đặc biệt trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 lây lan diện rộng, các nước ngừng nhập cảnh có thể ảnh hưởng đến hoạt động thương mại.
Cục Thú y cũng đề nghị Bộ Tài chính xem xét, sớm có chính sách giảm thuế nhập khẩu thịt lợn; Ngân hàng Nhà nước có chính sách cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn vay vốn kinh doanh với lãi suất ưu đãi.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thống kê của các tổ chức quốc tế cho thấy, tổng đàn lợn của cả thế giới vào tháng 1/2020 đạt khoảng 678 triệu con, giảm khoảng gần 12% so với năm 2019 (có tổng đàn lợn khoảng 768 triệu con).
Cụ thể, Trung Quốc có khoảng 335 triệu con (chiếm khoảng 49%), kế đến là châu Âu 149 triệu con (chiếm 22%) và Hoa Kỳ là hơn 77 triệu con (chiếm hơn 11%).
Như vậy có thể thấy, tổng đàn lợn trên thế giới giảm mạnh. Chăn nuôi lợn tại Trung Quốc cũng chưa thể hồi phục vì nhiều lý do; trong đó có dịch tả lợn châu Phi và COVID-19. Bên cạnh đó, diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 không loại trừ khả năng có tác động lớn đến sản xuất, xuất nhập khẩu lợn và các sản phẩm thịt lợn; trong đó một số nước tạm dừng nhập cảnh để ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 nên có thể ảnh hưởng đến các hoạt động thương mại giữa các nước./.