Trước khi ra mắt khán giả Việt Nam vào tháng Tư tới, bộ phim nghệ thuật “Cha cõng con” (tựa tiếng Anh: Father and Son) có độ dài 90 phút, đã cùng đạo diễn kiêm biên kịch Lương Đình Dũng chu du nhiều liên hoan phim quốc tế.
Đặc biệt, mới đây nhất, bộ phim được ban tổ chức Liên hoan phim Quốc tế Boston lần thứ 15 (liên hoan phim độc lập uy tín của Mỹ), sẽ diễn ra từ ngày 13-17/4, lựa chọn trình chiếu và tham gia tranh tài cùng nhiều tác phẩm điện ảnh ngoại khác.
Niềm tự hào phim Việt trên đất Mỹ
Theo ban tổ chức, Liên hoan phim Quốc tế Boston năm nay quy tụ sự tham gia của nhiều bộ phim dài, phim ngắn được tuyển chọn nghiêm ngặt từ 3.281 phim đến từ khắp nơi trên thế giới, cùng nhau tranh tài ở 17 hạng mục.
Các hạng mục trong Liên hoan phim được chia theo thể loại, bao gồm phim truyện dài, phim ngắn, phim tài liệu, phim hoạt hình và phim thể nghiệm. Mỗi hạng mục sẽ có ba giải được trao, cũng như cúp lưu niệm dành cho những cá nhân xuất sắc tham dự.
Liên hoan phim Quốc tế Boston là liên hoan phim lớn nhất tại bang Massachusetts nói riêng và nước Mỹ nói chung.
Chia sẻ về niềm vui này, đạo diễn Lương Đình Dũng cho biết: “Liên hoan phim Quốc tế Boston là một trong những sự kiện điện ảnh rất lớn mà ‘Cha cõng con’ có vinh dự tham gia kể từ lúc bộ phim hoàn thành. Tôi không thực sự nghĩ ban tổ chức sẽ chọn lựa đứa con tinh thần của mình. Do đó, tôi cảm thấy bất ngờ và rất vui khi nay có cơ hội quảng bá bộ phim tới khán giả nước Mỹ. Nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, khán giả Việt Nam sẽ sớm được thưởng thức bộ phim ngoài rạp trong giữa năm nay.”
Trước “Cha cõng con,” năm 2012, bộ phim “Chạm” của đạo diễn Việt kiều Nguyễn Đức Minh, xoay quanh chuyện một anh thợ sửa xe và một cô gái làm móng tay sống tại Mỹ, từng có buổi ra mắt tại sự kiện tương tự và sau đó được ban tổ chức trao giải Quay phim xuất sắc.
Nỗi ám ảnh con đánh cha
“Tôi rất nhiều lần đã muốn bỏ ‘Cha cõng con.’ Khi định ghi hình năm 2013, bối cảnh quay gặp lũ quét. Tôi suy sụp tinh thần tới mức mất ăn, mất ngủ, không dám trò chuyện với ai suốt một tuần liền. Nhiều lúc tôi muốn chuyển sang làm việc khác, chọn dự án khác. Nhưng rồi sự đau đáu mà cá nhân dành cho phim vẫn còn đó, và tới năm 2015 thì phim chính thức khởi quay,” Lương Đình Dũng hồi tưởng.
Tuy nổi tiếng trong lĩnh vực truyền thông thông qua các tác phẩm đĩa hài hoặc phim quảng cáo, nhưng đây mới là tác phẩm điện ảnh đầu tay của Lương Đình Dũng.
Nói về ý tưởng của tác phẩm có chủ đề tình phụ tử này, Lương Đình Dũng tiết lộ: “Năm 6 tuổi, có một hôm tôi đi cùng bố. Khi ấy, tôi gặp cảnh một cậu con trai 18 tuổi dùng đòn gánh phang cha đẻ. Cuối cùng, do bố tôi là một võ sỹ quyền Anh, ông đã ra can ngăn. Người cha bị đòn khi ấy bảo rằng con ông say rượu nên đánh mình, và hy vọng đứa con máu mủ sau này sẽ thay đổi.”
“Tôi rất sợ hãi và cảm thấy ám ảnh bởi câu chuyện đó suốt một thời gian dài. Khi lớn lên, tôi tiếp tục chứng kiến rất nhiều câu chuyện đau thương khác trong xã hội. ‘Cha cõng con’ ra đời với mong muốn bộ phim đến được với mọi gia đình, tôi muốn khơi gợi tình người trong ai đó đang để quên vì cuộc sống xô bồ. Tình phụ tử hay tình mẫu tử là điều vỹ đại và rất thiêng liêng”.
Không sử dụng kỹ xảo mà êkíp quyết định quay đúng vào giữa mùa mưa bão để bộ phim có được những cảnh quay chân thực nhất.
“Cảm xúc trong tôi rất lẫn lộn. Bối cảnh chính của bộ phim cao hơn 100m trên đỉnh đồi, có sự tham gia của nhiều trẻ em và tất cả diễn ra trong mùa mưa lũ. Tôi bị quyến rũ bởi những điều ấy nhưng đồng thời còn cảm thấy mình phải mau chóng hoàn tất dự án để có thể chuyên tâm thực hiện công việc khác và được ‘giải thoát’ khỏi sự ám ảnh hình ảnh người con đánh cha khi tôi thấy còn nhỏ,” Lương Đình Dũng nói.
Tác giả bộ phim cho biết, có rất nhiều điều may mắn xảy ra trong quá trình "Cha cõng con" ghi hình. Chỉ đúng sau khi hai ngày phim đóng máy, bối cảnh quay chính lại gặp lũ lớn, bị cuốn phăng đi tất cả. Nếu như tiến độ quay chỉ cần chậm một vài ngày thôi, bộ phim chắc chắn sẽ không thể hoàn thành.../.
“Cha cõng con” (Father and Son) chuyển thể từ tác phẩm cùng tên viết năm 1995 của đạo diễn Lương Đình Dũng. Chuyện phim kể về một cậu bé luôn mơ ước chạm tay vào những đám mây bay trên bầu trời, và một người cha cả đời quanh quẩn đánh cá bên bờ sông.
Cậu bé ấy tên Cá, lớn lên hồn nhiên như những con tôm, con cá. Hàng ngày, cậu tưởng tượng về vùng đất màu nhiệm trong những câu chuyện kể lung linh của một ông lão mù.
Cậu mơ ước một ngày lớn lên sẽ được đến cái nơi huyền diệu ấy. Nhưng Cá không còn đủ thời gian, không thể đợi mình lớn lên, cũng không thể đợi bố bắt đủ hàng triệu con cá để chữa bệnh cho mình. Và người cha cõng con đi, đi mãi cho con nhìn thấy cuộc đời trước khi không thể...
Các diễn viên tham gia "Cha cõng con" chủ yếu là nghiệp dư, ngoại trừ nghệ sỹ ưu tú Trần Hạnh trong vai ông mù và Ngô Thế Quân (nam diễn viên chính của “Thời xa vắng”) trong vai người cha. Riêng nhân vật Cá do cậu bé mồ côi Đỗ Trọng Tấn đến từ làng trẻ em SOS Việt Trì, Phú Thọ đảm nhận.