Thông tin từ Sở Văn hóa-Thể thao Hà Nội cho biết, dự kiến ngày 1/1/2017, Bộ quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội sẽ được ban hành.
Theo đó, toàn bộ các đối tượng trong phạm vi điều chỉnh đang làm việc trong các cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội, lực lượng vũ trang và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố Hà Nội phải thực hiện Bộ quy tắc ứng xử này.
Thông tin trên đã thu hút sự chú ý của đông đảo các tầng lớp nhân dân, không riêng cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô. Phần lớn ý kiến đều cho rằng, Hà Nội cần thiết phải có một Bộ quy tắc ứng xử, có tính khả thi cao trước hết trong đội ngũ cán bộ, công chức, góp phần xây dựng nền hành chính Thủ đô chuyên nghiệp, chuẩn mực và hiệu quả, làm hài lòng người dân; thể hiện tác phong gương mẫu của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính Nhà nước.
Đối với cán bộ, công chức, người dân luôn đòi hỏi đội ngũ này sự chuẩn mực, gương mẫu. Vì họ là người thay mặt Nhà nước trực tiếp giải quyết công việc thường nhật với người dân. Cán bộ, công chức chuẩn mực, gương mẫu, mẫn cán thi hành công vụ sẽ góp phần tích cực vào việc thực thi pháp luật nghiêm minh, làm cho Nhà nước ta thật sự là của dân, do dân và vì dân.
Dĩ nhiên, muốn trở thành công chức thì người lao động phải có bằng cấp theo quy định, phải học và thi, thậm chí qua nhiều lớp học, nhiều kỳ thi...
Đã là công chức đương nhiên phải thực hiện Luật công chức; riêng công chức Thủ đô phải thực hiện đồng thời Luật Thủ đô. Bởi vậy, công chức Thủ đô phần lớn đã được đào tạo bài bản, được tuyển chọn kỹ lưỡng và theo logich tất yếu, họ phải là người có năng lực chuyên môn, có phẩm chất đạo đức, gương mẫu, tận tụy với công vụ.
Tuy nhiên, trên thực tế đôi khi không như mong muốn. Không ít cán bộ, công chức vẫn còn hút thuốc lá trong công sở; uống rượu bia, hát karaoke trong giờ hành chính; nói bậy, chửi thề trước mặt người dân, thậm chí còn hành hung người khác.
Đó là chưa nói đến những trường hợp "công bộc của dân" đã gợi ý để nhận tiền, quà biếu nếu không được thỏa mãn thì gây căng thẳng, chậm trễ giải quyết công việc. Trong ứng xử với đồng nghiệp, không ít trường hợp có thái độ đố kỵ hoặc lôi kéo để tạo phe nhóm. Với cấp trên thì xu nịnh để lấy lòng và trục lợi; biếu xén quà cáp để thăng quan, tiến chức.
Một số cán bộ công chức, viên, chức giữ cương vị lãnh đạo, quản lý thiếu gương mẫu, không quan tâm, sâu sát, không công bằng, thiếu dân chủ, không có kỷ luật nghiêm minh, chưa tạo môi trường công tác công bằng, dân chủ, văn minh trong cơ quan, đơn vị do mình quản lý...
Phạm trù đạo đức công vụ, văn hóa ứng xử của công chức Hà Nội thực sự có vấn đề cần được chấn chỉnh, uốn nắn như sự mong đợi của người dân.
Do vậy, Bộ quy tắc đưa ra các nguyên tắc ứng xử của công chức trong các mối quan hệ với đồng nghiệp, với người dân và giữa các cơ quan Nhà nước...nhằm triệt tiêu tình trạng nêu trên; nó được kỳ vọng như một giải pháp chỉnh đốn lại tác phong, cung cách ứng xử của cán bộ công chức; tạo ra sự chuẩn mực đối với cán bộ công chức trong lối sống và hành vi ứng xử phù hợp.
Để cho Bộ quy tắc này thực sự đi vào cuộc sống, để cho mỗi cán bộ công chức Thủ đô phải canh cánh trong lòng là làm sao thực hiện quy tắc như một nhiệm vụ, một tiêu chuẩn thì cần phải có chế tài, cơ chế kiểm tra, giám sát và thưởng phạt nhiêm minh để cán bộ công chức Thủ đô thực sự là đại diện cho hình ảnh đất nước.
Tuy nhiên, với Bộ quy tắc ứng xử dự kiến sẽ ban hành, hầu như chỉ trông chờ vào tính tự giác tố cáo nhau của cán bộ, công chức? Thử hình dung trong một cuộc họp nào đó của cơ quan một người lại đi tố cáo một đồng nghiệp hay một người bạn vì đã hút thuốc lá trong phòng làm việc, đã uống rượu bia trong giờ hành chính, đã mặc váy ngắn… thì tình cảm và mối quan hệ thân thiết, tin cậy của đồng nghiệp có còn chăng?
Nếu một khi công chức thực hiện theo quy chế là phê bình, tố giác đồng nghiệp thì sẽ gây ra sự mất đoàn kết không đáng có trong một cơ quan Nhà nước. Đấy là chưa kể tới một số quy định ảnh hưởng đến quyền tự do cá nhân như cấm son phấn lòe loẹt, nước hoa nặng mùi…, đâu là "chuẩn" cho những "điều, khoản" vốn nặng về cảm giác?
Sẽ còn nhiều vấn đề phải bổ sung, hoàn thiện để Bộ quy tắc ứng xử nói trên khi được ban hành bảo đảm tính khả thi. Còn nếu ban hành Bộ quy tắc ứng xử này chỉ để ban hành thì dễ bị quy chụp là "chồng chéo, lặp lại các văn bản đã ban hành," là “văn bản con,” ít có ý nghĩa và gây tốn kém lãng phí./.