Bộ Tài chính công khai 8 đơn vị giảm giá cước "còn hạn chế"

Không những điểm mặt 8 doanh nghiệp vận tải kê khai giảm giá cước "còn hạn chế," đại diện Bộ Tài chính còn khẳng định có tình trạng doanh nghiệp "chạy" kê khai giá.
Bộ Tài chính công khai 8 đơn vị giảm giá cước "còn hạn chế" ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Không những điểm mặt 8 doanh nghiệp vận tải kê khai giảm giá cước "còn hạn chế," đại diện Bộ Tài chính còn khẳng định có tình trạng doanh nghiệp "chạy" kê khai giá.

Thông tin thêm về vấn đề này trong buổi họp báo "Công bố kết quả kiểm tra việc thực hiện kê khai giá cước vận tải" vừa tổ chức chiều nay (11/2), Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính Nguyễn Anh Tuấn thừa nhận, vẫn còn doanh nghiệp vận tải chậy ỳ giảm giá cước.

Cụ thể, theo kết quả được Bộ Tài chính công bố chiều cùng ngày, trong tổng số 40 đơn vị kinh doanh vận tải được kiểm tra ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam trong tháng Một, cơ quan chức năng đã thống kê được 8 đơn vị có mức giảm hạn chế.

Không thông tin cụ thể mức giảm hạn chế cụ thể ra sao nhưng ông Nguyễn Anh Tuấn cho hay, riêng ở Hà Nội, đoàn kiểm tra đã phát hiện 3 doanh nghiệp taxi và 2 đơn vị vận tải hành khách tuyến cố định.

Ở Đà Nẵng, đoàn liên ngành cũng thống kê được 2 doanh nghiệp có chung tình trạng trên. Đặc biệt, một doanh nghiệp ở Bình Dương là Hợp tác xã Vận tải đường bộ thành phố Thủ Dầu Một bị đoàn kiểm tra lập biên bản vi phạm hành chính và đang làm thủ tục chuyển thanh tra Bộ Tài chính xử phạt vì kê khai giá cước không hợp lý, thiếu bảng giải trình chi tiết giá cước.

Một điểm đáng lưu ý khác trong đánh giá của lãnh đạo Bộ Tài chính là tình trạng "chạy" kê khai của các đơn vị vận tải.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, thực tế này xuất hiện ở các doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến cố định bởi đây thường là các đơn vị có xe chạy liên tỉnh. Bởi vậy, để né việc quản lý chặt việc kê khai ở một số địa phương, các đơn vị này "chạy" sang tỉnh khác trên cùng tuyến đường để kê khai giá cước.

Chưa nhắc tên cụ thể doanh nghiệp và địa phương có tình trạng này tuy nhiên ông Tuấn cho hay, điều này một phần xuất phát từ việc phối hợp thiếu chặt chẽ của các cơ quan chức năng. Về vấn đề này, ông cho hay, Bộ Tài chính đã kiến nghị các tỉnh, thành phố phối hợp rà soát chéo với các doanh nghiệp vận tải trên.

Đây cũng là một trong những giải pháp được ông Tuấn nhấn mạnh khi nói về kế hoạch sắp tới. Ngoài ra, cũng theo ông, giải pháp được cơ quan chức năng hướng tới là tiếp tục công khai các đơn vị thực hiện tốt việc giảm giá cước và cả những doanh nghiệp thực hiện chưa đẩy đủ hoặc chưa kê khai giá.

Trả lời thêm về lo lắng nhiều doanh nghiệp cố tình chây ỳ, kéo dài thời gian đợi biến động tăng giá xăng, dầu thời gian tới, ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định, liên Bộ Tài chính-Giao thông vận tải đã có văn bản yêu cầu các địa phương rà soát danh sách doanh nghiệp và quan trọng là "ấn định ngày" kê khai.

"Sau ngày ấn định, các doanh nghiệp vẫn không kê khai thì cơ quan chức năng có thể lập biên bản vi phạm hành chính và xử lý theo đúng quy định của pháp luật," ông Tuấn nói./.

Danh sách các đơn vị vận tải kê khai giảm giá còn hạn chế:

Tại Hà Nội: 5 đơn vị là: Công ty trách nhiệm hữu hạn Mạnh Trường Bình, Công ty cổ phần dịch vụ hàng không Sân bay Nội Bài, Công ty cổ phần taxi Đại Nam, Xí nghiệp Xe khách Nam Hà Nội và Chi nhánh Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoàng Long.

Tại Đà Nẵng: 2 đơn vị là: Công ty cổ phần xe khách và Dịch vụ thương mại Đà Nẵng, Công ty trách nhiệm hữu hạn Vận tải và Dịch vụ du lịch Hải Vân.

Tại Bình Dương: Hợp tác xã Vận tải đường bộ Thành phố Thủ Dầu Một.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.