Bộ Tài chính: Giảm thuế xăng dầu để hài hòa lợi ích người dân, DN

Với mức giảm thuế do Bộ Tài chính đề xuất, giá xăng (trừ etanol) có thể giảm tương ứng 1.100 đồng/lít (gồm VAT). Giá mỗi lít dầu diezel, dầu mazut, dầu nhờn, dầu hỏa giảm tương ứng 550 đồng.
Mua bán xăng dầu tại một điểm kinh doanh xăng dầu của Petrolimex. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Mua bán xăng dầu tại một điểm kinh doanh xăng dầu của Petrolimex. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 3/3, trả lời về việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu 1.000 đồng/lít liệu có đủ để tạo nên hiệu ứng trong việc hỗ trợ đối với người dân, doanh nghiệp và có thể cân nhắc mức giảm sâu hơn hay không, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định chính sách này góp phần đảm bảo hài hòa lợi ích người dân, doanh nghiệp, giúp giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm chi phí tiêu dùng cho người dân.

“Đây mới là dự thảo đề án đang lấy ý kiến bộ, ngành và cơ quan liên quan trước khi trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, do đó chúng tôi mong nhận được nhiều đóng góp, ý kiến để báo cáo các cấp nhằm có phương án sửa đổi phù hợp,”Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nói.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, Bộ Tài Chính đã có văn bản gửi các bộ, ngành liên quan để xin ý kiến về dự thảo Nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, mỡ nhờn. Bộ Tài Chính đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng/lít với xăng (trừ etanol), tức từ 4.000 đồng xuống còn 3.000 đồng.

Thuế bảo vệ môi trường với dầu diesel, mazut, dầu nhờn dự kiến giảm 500 đồng mỗi lít, từ 2.000 đồng xuống 1.500 đồng/lít. Dầu hỏa giảm 500 đồng, từ 1.000 đồng xuống 500 đồng/lít. Mỡ nhờn giảm 500 đồng/kg, từ 2.000 đồng xuống 1.500 đồng/kg. Nhiên liệu bay được giữ như mức hiện hành vì đã được giảm 1.500 đồng mỗi lít theo Nghị quyết số 13/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

[Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế môi trường 1.000 đồng/lít đối với xăng]

Với mức giảm thuế này, giá xăng (trừ etanol) có thể giảm tương ứng 1.100 đồng/lít (gồm VAT). Giá mỗi lít dầu diezel, dầu mazut, dầu nhờn, dầu hoả giảm tương ứng 550 đồng.

Về đánh giá tác động của dự thảo đề án đến ngân sách nhà nước, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết nếu sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2022 tương đương năm 2019 thì ngân sách Nhà nước sẽ giảm thu 14.524 tỷ đồng một năm do giảm thuế bảo vệ môi trường. Nếu tính từ 1/4 năm nay, ngân sách sẽ giảm thu khoảng 11.982 tỷ đồng.

“Về tác động giảm thuế bảo vệ môi trường đối với CPI, lạm phát và tăng trưởng kinh tế, với giá bán lẻ ổn định như mức hiện tại, thì giảm thuế sẽ giúp giảm CPI bình quân là 0,6-0,7%,” Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi đánh giá.

Bộ Tài chính: Giảm thuế xăng dầu để hài hòa lợi ích người dân, DN ảnh 1Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi trả lời câu hỏi của các phóng viên cơ quan thông tấn, báo chí. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Thông tin thêm giải pháp kiềm chế lạm phát trước tác động giá nhiên liệu đầu vào tăng cao, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết Ban chỉ đạo điều hành giá đã họp bàn, thống nhất các giải pháp.  Để ứng phó với thách thức trong công tác điều hành giá trong những tháng còn lại, các bộ, ngành và địa phương cần triển khai nghiêm túc Nghị quyết 01 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh việc theo dõi sát biến động giá cả cung cầu thị trường, cân đối cung cầu và điều hành bình ổn giá phù hợp. Với mặt hàng thuộc danh mục nhà nước định giá chưa xem xét điều chỉnh đến hết quý 2/2022, các bộ, ngành chuẩn bị đủ điều kiện và chính sách để khi có điều kiện, có dư địa chủ động điều hành giá linh hoạt. 

Các cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, đặc biệt là kiểm tra các yếu tố hình thành giá đối với những mặt hàng không thuộc diện kê khai giá; phát huy vai trò của lực lượng thanh tra chuyên ngành, thanh tra địa phương, quản lý thị trường, cùng với báo chí tăng cường giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi cố tình vi phạm pháp luật để trục lợi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.