Bộ Tài chính Mỹ cho phép Airbus và Boeing bán máy bay cho Iran

Mỹ đã cấp phép cho Boeing bán máy bay cho Iran, đồng thời chấp thuận cho Airbus xuất khẩu 17 máy bay A320 hoặc A330 đầu tiên trong hợp đồng bán hơn 118 máy bay cho quốc gia Hồi giáo này.
Bộ Tài chính Mỹ cho phép Airbus và Boeing bán máy bay cho Iran ảnh 1Máy bay của hãng hàng không Iran Air. (Nguồn: nytimes.com)

Ngày 21/9, hai tập đoàn sản xuất máy bay hàng đầu thế giới là Airbus và Boeing thông báo đã được Bộ Tài chính Mỹ cho phép bán máy bay chở khách cho Iran, một bước quan trọng trong việc triển khai các thỏa thuận trị giá nhiều tỷ USD với quốc gia Hồi giáo.

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, Airbus cho hay nhà chức trách Mỹ đã chấp thuận cho tập đoàn này xuất khẩu 17 máy bay A320 hoặc A330 đầu tiên sang Iran theo hợp đồng bán hơn 118 máy bay cho hãng hàng không Iran Air ký kết hồi tháng Một vừa qua và dự kiến giấy phép bán số máy bay còn lại sẽ được cấp trong vài tuần tới.

Dù Airbus là tập đoàn của châu Âu, song thương vụ với Iran đòi hỏi phải có sự chấp thuận của Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài thuộc Bộ Tài chính Mỹ (OFAC) do một số bộ phận của máy bay được sản xuất tại Mỹ.

Vài giờ sau đó, tập đoàn Boeing của Mỹ cũng cho biết chính phủ đã cấp phép cho tập đoàn này bán máy bay cho Iran Air, qua đó tiến tới hoàn tất thương vụ đầu tiên kể từ sau cuộc Cách mạng Hồi giáo ở Iran vào năm 1979.

Hiện, Boeing đang đàm phán với Iran Air về thỏa thuận cuối cùng sau khi hai bên đã đạt được nhất trí sơ bộ hồi tháng Sáu vừa qua về một hợp đồng cung cấp máy bay có tổng trị giá tới 25 tỷ USD.

Ngoài các hợp đồng trên, Iran cũng đặt mua 40 máy bay ATR do Pháp và Italy liên doanh sản xuất và hợp đồng này cũng cần sự phê chuẩn của Mỹ.

Phóng viên TTXVN tại khu vực Trung Đông-Bắc Phi cho hay, từ đầu năm nay, Iran đã đặt mua hơn 200 máy bay với tổng trị giá 50 tỷ USD của Airbus và Boeing. Tuy nhiên, những thỏa thuận này đang gặp nhiều vướng mắc trong vấn đề giao dịch tài chính do những hạn chế trong việc sử dụng đồng USD chưa được Mỹ dỡ bỏ hẳn, cùng với những lo ngại về nguy cơ pháp lý nếu các lệnh trừng phạt bị áp dụng trở lại.

Hiện Iran cho rằng, nếu không “mở cửa” thị trường hàng không nước này, Mỹ sẽ vi phạm thỏa thuận hạt nhân mà Tehran đã ký kết với Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức) hồi tháng 7/2015.

Mới đây, Hạ viện Mỹ đã thông qua sửa đổi hai đạo luật ngừng bán máy bay cho Iran. Tuy nhiên, hai văn bản này cần được Thượng viện thông qua và Tổng thống Barack Obama phê chuẩn ban hành mới có hiệu lực.

Iran ước tính sẽ cần ít nhất 400 máy bay chở khách để đáp ứng nhu cầu trong 10 năm tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.