Do thiếu quy hoạch tổng thể phát triển trạm thu phí các dự án BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) nên hiện có tình trạng trạm thu phí BOT không đảm bảo khoảng cách và gây bức xúc với người dân.
Đây là một trong những ý kiến vừa được lãnh đạo Bộ Tài chính đưa ra nhằm đóng góp cho chủ trương xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực giao thông vận tải trong văn bản số 6400/BTC-ĐT.
Người dân bức xúc vì trạm BOT
Trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu nêu rõ: Bộ Tài chính ủng hộ các nguyên tắc đã được Bộ Giao thông Vận tải đề xuất theo hướng không xã hội hóa đối với những hoạt động đầu tư, kinh doanh có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia.
Ngoài ra, ngành tài chính cũng đồng tình với đề xuất công khai, minh bạch trong tất cả các khâu từ phê duyệt chủ trương đầu tư, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, lựa chọn nhà đầu tư tới thực hiện dự án, vận hành, chuyển nhượng,…
Tuy nhiên, đề cập riêng tới các dự án BOT, thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng: Do thiếu quy hoạch tổng thể phát triển trạm thu phí các dự án BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) nên hiện có tình trạng trạm thu phí BOT không đảm bảo khoảng cách với trạm thu phí khác là 70km theo quy định của Thông tư số 159/2013/TT-BTC.
Điều này theo báo cáo dẫn tới những bức xúc của người dân và khó khăn nhất định cho các nhà đầu tư thực hiện dự án BOT.
Theo đại diện ngành tài chính, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương nghiên cứu, lập quy hoạch tổng thể nhưng cho tới nay, cơ quan này vẫn chưa trình cấp có thẩm quyền xây dựng quy hoạch tổng thể các trạm thu phí BOT.
Cần thêm đánh giá về mức phí
Ở hướng khác, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng chỉ ra thực tế, các dự án BOT, BT do Bộ Giao thông Vận tải quản lý đều do nhà đầu tư trong nước thực hiện và huy động vốn vay thương mại từ các ngân hàng trong nước với lãi suất cho vay tương đối cao và thời gian hợp đồng tín dụng chưa đáp ứng được yêu cầu của các dự án hợp tác công tư (PPP).
“Thị trường tín dụng trong nước hiện nay chủ yếu cung cấp các khoản tín dụng ngắn hạn và trung hạn, tín dụng dài hạn, đa số khống chế thời gian dưới 22 năm; do vậy nếu dự án kéo dài trên 25 năm thì các nhà đầu tư khó có thể thu xếp vốn vay,” đánh giá của Bộ Tài chính nêu rõ.
Thực tế, theo hợp đồng tín dụng các dự án hiện nay, các tổ chức tín dụng chỉ cho vay thời gian dưới 20 năm, cá biệt một vài dự án là 22 năm. Vì vậy, đại diện ngành tài chính đề nghị Bộ Giao thông Vận tải lưu ý khi chọn nhà đầu tư nên xem xét đến các đơn vị có khả năng huy động được các nguồn vốn phù hợp hơn.
Về mức phí các trạm BOT, văn bản của Bộ Tài chính cho hay, theo kế hoạch, một loạt các dự án BOT, nhất là các dự án BOT trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và một số tuyến cao tốc sẽ hoàn thành và thu phí trong năm 2016.
Mức phí trên theo đánh giá của ngành tài chính sẽ tác động trực tiếp tới chi phí vận tải, chỉ số giá tiêu dùng và sự phát triển kinh tế, xã hội.
Do vậy, Bộ Tài chính cũng trình Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải có báo cáo đánh giá tác động của chính sách xã hội hóa ngành giao thông đến sự phát triển kinh tế xã hội và có kế hoạch tuyên truyền hợp lý nhằm tạo sự đồng thuận xã hội./.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, ngành giao thông đã thu hút được hơn 372.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước vào phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Riêng với lĩnh vực đường bộ, ngành này đã thu hút được 194.000 tỷ đồng để triển khai thực hiện 68 dự án BOT, BT.
Thống kê cũng cho thấy, trên các tuyến quốc lộ hiện có 96 trạm thu phí đang thu phí và sẽ thu phí khi các dự án BOT hoàn thành và đưa vào sử dụng.