Bộ Tài chính: Vẫn tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu

Theo Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn, xuất phát từ thực tiễn và ý kiến của một số bộ, ngành; trong đó có Bộ Công Thương, Chính phủ đã thống nhất đề xuất trước mắt chưa bỏ công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Bộ Tài chính: Vẫn tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu ảnh 1Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Ngày 8/11, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết trong thời gian vừa qua, có nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến việc bỏ hay tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG).

Ban soạn thảo Luật Giá sửa đổi đã đưa ra các phương án khác nhau, phân tích mặt ưu, nhược điểm của Quỹ BOG.

Vừa qua, thị trường trong nước và quốc tế, giá xăng dầu diễn biến hết sức bất thường, do đó một số bộ, ngành tham gia ý kiến, trong đó có Bộ Công Thương đề nghị tiếp tục duy trì Quỹ BOG, nhất là BOG xăng dầu, tránh biến động quá bất thường về giá xăng dầu. Do đó, trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ quyết định tiếp tục duy trì Quỹ BOG để tránh biến động lớn về giá xăng dầu.

Theo Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn, xuất phát từ thực tiễn và ý kiến của một số bộ, ngành; trong đó có Bộ Công Thương, Chính phủ đã thống nhất đề xuất trước mắt chưa bỏ công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu; đồng thời củng cố các cơ chế trong triển khai, tổ chức thực hiện nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch trong việc sử dụng quỹ.

Trên cơ sở đó, tại Luật đã điều chỉnh, đưa biện pháp lập quỹ bình ổn giá trong nhóm biện pháp bình ổn giá có thời hạn để quy định một điều riêng để đảm bảo cơ sở pháp lý cho Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

[Tăng cường các biện pháp hỗ trợ bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu]

Quỹ bình ổn giá xăng dầu là quỹ đặc thù, được thành lập theo quy định tại Nghị định 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, sau đó là Nghị định 83/2014/NĐ-CP, nay là Nghị định 95/2021/NĐ-CP.

Như vậy, khi Quốc hội thông qua Luật Giá 2012 đã có quỹ bình ổn giá xăng dầu; Luật Giá (sửa đổi) cũng không quy định điều chỉnh trực tiếp về quỹ bình ổn giá xăng dầu nhưng có quy định cơ chế chung về quỹ bình ổn giá cũng sẽ củng cố cơ sở pháp lý của quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Tại dự thảo về Luật Giá sửa đổi lần này, lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng, có đề nghị rà soát đánh giá để xem xét sự cần thiết của Quỹ bình ổn giá xăng dầu; đến nay cũng còn ý kiến khác nhau.

Tuy nhiên, trong bối cảnh giai đoạn vừa qua khi giá xăng dầu thế giới có nhiều biến động, việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã phát huy tác dụng tích cực và hiệu quả trong việc tạo nên một “bước đệm” nhằm góp phần bình ổn giá, không để giá xăng dầu trong nước tăng sốc, góp phần kiềm chế lạm phát kỳ vọng, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng và ổn định an sinh xã hội.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết quỹ BOG rất quan trọng trong quá trình quản lý về giá. Các nước trên thế giới đều thực hiện các chính sách bình ổn giá; trong đó có bình ổn giá về mặt bằng và bình ổn giá đối với các mặt hàng về giá. Hiện Việt Nam có nhiều giải pháp để bình ổn giá như tài chính, tiền tệ, cung cầu, quản lý thị trường và quỹ BOG là một trong những giải pháp.

Liên quan tới cơ chế kiểm soát sách giáo khoa hợp lý, Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn cho biết hiện giá sách giáo khoa được quản lý theo quy định tại Luật Giáo dục, Luật Giá, Luật Xuất bản, theo đó sách giáo khoa không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá, bình ổn giá mà thuộc danh mục mặt hàng thực hiện kê khai giá. Việc thẩm quyền định giá sách giáo khoa do các doanh nghiệp, nhà xuất bản tự quyết định, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Bộ Tài chính: Vẫn tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu ảnh 2Các em học sinh tham khảo sách giáo khoa mới. (Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Xuất phát từ tính chất sách giáo khoa là hàng hóa thiết yếu, giá sách giáo khoa có tác động diện rộng đến các gia đình học sinh trên cả nước; trên cơ sở đánh giá, từ năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất và Chính phủ đã trình Ủy ban thường vụ Quốc hội bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn, sách giáo khoa là mặt hàng đặc biệt, ảnh hưởng tới các hộ gia đình ở Việt Nam. Trong quá trình thực hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tài chính đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đưa mặt hàng này vào danh mục mặt hàng phải thực hiện định giá.

Theo đó, quy định Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định giá tối đa sách giáo khoa, còn các nhà xuất bản quy định giá cụ thể, để đảm bảo tính linh hoạt, chủ động của các nhà xuất bản và tránh sự tăng giá bất thường của mặt hàng này. Quy định này tiếp tục củng cố, tăng cường tính chủ động của các nhà xuất bản nhưng có cơ chế kiểm soát được giá sách giáo khoa hợp lý, phù hợp với yêu cầu thực tiễn phát sinh.

Luật Giá 2012 có hiệu lực từ 01/01/2013 đã đạt được nhiều kết quả. Qua 10 năm thực hiện, cùng với sự phát triển của nền kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế, Luật giá 2012 cũng đã bộc lộ một số điểm chưa phù hợp. Do đó, Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành đã đánh giá, tổng kết để sửa đổi, bổ sung Luật Giá và hiện nay đang được thảo luận tại Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết Luật Giá sửa đổi lần này vẫn kiên trì mục tiêu theo nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước để phù hợp với chủ trương chung của Đảng, Nhà nước, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Theo đó, dự thảo Luật Giá (sửa đổi) trình Quốc hội sẽ củng cố, hoàn thiện 9 nhóm nội dung lớn về danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá; phương pháp định giá; bình ổn giá; kê khai giá; hiệp thương giá; công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; điều kiện đối với doanh nghiệp thẩm định giá; điều kiện đối với thẩm định viên về giá; hoạt động thẩm định giá của Nhà nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.