Ngày 12/6, Bộ trường Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về việc thu phí rác thải sinh hoạt.
Theo Bộ trưởng, việc thực hiện thu gom rác thải sinh hoạt tính theo thể tích sẽ là hợp lý và những người xả ra khối lượng thể tích lớn phải trả tiền nhiều. Tại nhiều nước đã tính phí rác thải theo bao bì và họ thực hiện phân loại rác theo màu sắc trên bao bì, rồi dựa vào thể tích lượng rác trên bao bì căn cứ để tiền thu rác.
“Vấn đề này không quy định trong luật, về sau Hội đồng nhân dân các địa phương sẽ quy định tính cụ thể. Việc này cũng có thể cụ thể hóa bằng Nghị định hoặc bằng Thông tư. Và, nguyên tắc không tính tiền xử lý rác đổ đồng như trước mà tới đây người nào xả rác nhiều thì phải trả tiền nhiều hơn,” Bộ trưởng cho biết.
Nhìn nhận việc hiện thực hóa giải pháp trên sẽ là một thách thức lớn, như Hàn Quốc phải mất 10 năm mới làm được, Bộ trưởng cho rằng Việt Nam muốn thực hiện cần phải nghiên cứu và xác định rõ quá trình bắt đầu từ người dân cho đến khâu xử lý rác cuối cùng. Bên cạnh đó, việc thực hiện cũng phải căn cứ vào quy định của luật pháp cũng như phù hợp với tình hình thực tế.
Bộ trưởng nhấn mạnh, chính sách cần phải làm cho người dân hiểu và đồng thuận thực hiện phân loại rác là việc làm tốt cho bản thân họ, bởi môi trường vừa được bảo vệ đồng thời chất lượng cuộc sống cũng được nâng cao. Theo đó, việc phân loại rác, xả rác đúng nơi quy định sẽ được cộng đồng giám sát. Việc quan trọng nhất vẫn là nhận thức, trách nhiệm, sự giám sát và cách tổ chức của cộng đồng sẽ dẫn đến sự thành công.
Về việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, ông Hà cho hay một bộ phận người dân đã ý thức được và giảm thiểu được việc dùng các loại sản phẩm nhựa này rộng khắp trên đất nước và hệ thống chính trị. Tất nhiên, cần phải theo kịp các chính sách sắp tiến tới cũng cần cấm sử dụng chất liệu này trong sinh hoạt.
“Nhận thức của người dân trong xã hội đã có sự thay đổi tuy nhiên vẫn chưa theo kịp chính sách, như tiến tới từ nhận thức không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần sau đó sẽ thống nhất quy định cấm. Và, quan trọng nhất vẫn là người tiêu dùng thông thái. Việt Nam đã có những hiệp hội, nhóm ngành thu gom và tái chế rác thải. Xác định trách nhiệm tái chế, tái sử dụng và tiến tới cơ chế để xử lý các sản phẩm nhựa dùng một lần không phân hủy được sẽ phải thu phí, nhằm tác động đến nhà sản xuất và người tham gia vào chuỗi cung ứng và thương mại để người ta không sử dụng nữa,” Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Ông Hà cũng nhấn mạnh thế giới đang kêu gọi cuộc vận động thay đổi nền kinh tế nhựa, chuyển đổi từ kinh tế nhựa có thể tái chế, tái sử dụng hoặc sử dụng nhiều lần, nâng vòng đời sử dụng lâu hơn. Và, quan điểm của Bộ sẽ tăng hình thức xử phạt đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật xả thải ra môi trường, thâm chí áp dụng các khung hình phạt cao nhất./.
Bộ trường Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trao đổi với báo chí: