Bộ Tài nguyên và Môi trường và BIDV hợp tác phát triển tài chính xanh

Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Tài nguyên Môi trường và BIDV nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng, thu hút các dòng vốn đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bộ Tài nguyên và Môi trường và BIDV hợp tác phát triển tài chính xanh ảnh 1Đại diện lãnh đạo Bộ Tài nguyên & Môi trường và BIDV ký kết bản ghi nhớ hợp tác. (Ảnh: Vietnam+)

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Lê Công Thành và Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Lê Ngọc Lâm đã đại diện hai cơ quan ký kết bản ghi nhớ hợp tác thúc đẩy phát triển tài chính xanh bền vững, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu tại Hà Nội vào chiều 26/5 tại Hà Nội.

Phát biểu tại lễ ký, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, nhấn mạnh hợp tác giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và BIDV trong các lĩnh vực tài nguyên môi trường và biến đổi khí hậu sẽ thúc đẩy việc hình thành và phát triển trái phiếu xanh, tín dụng xanh, phát triển thị trường cácbon.

Cũng theo Bộ trưởng, việc hợp tác này cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng cácbon thấp và các hoạt động truyền thông, tăng cường năng lực trong quản lý đất đai, môi trường, tài nguyên khoáng sản…

Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Tài nguyên Môi trường và BIDV nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng, thu hút các dòng vốn đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi mô hình kinh tế cácbon thấp và các dự án chuyển đổi năng lượng vì sự phát triển bền vững của đất nước.

Bên cạnh đó, tăng cường vai trò hệ thống tài chính-ngân hàng trong việc thu hút, khuyến khích và hỗ trợ các thành phần kinh tế trong nước tham gia triển khai các hoạt động giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh doanh theo hướng bền vững.

Bộ Tài nguyên Môi trường cũng sẽ hỗ trợ BIDV tăng cường năng lực thẩm định rủi ro môi trường, xây dựng tiêu chí đánh giá mức độ rủi ro môi trường đối với các dự án, là điều kiện tiên quyết để phát triển các sản phẩm tài chính bền vững theo thông lệ quốc tế và phù hợp với thị trường Việt Nam.

Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV, chia sẻ: “BIDV là ngân hàng thương mại Nhà nước luôn theo đuổi chiến lược phát triển bền vững với trách nhiệm xã hội cao. Việc hợp tác giữa hai bên sẽ phát đi những tín hiệu tích cực về cơ hội đồng hành, liên kết giữa các cơ quan quản lý, ngân hàng thương mại và cộng đồng doanh nghiệp trong thiết lập định hướng phát triển của thị trường. Xây dựng các giải pháp và hành động để đảm bảo các vấn đề về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ là những ưu tiên chiến lược trong các lĩnh vực kinh doanh, tài chính và ngân hàng, góp phần thực hiện có hiệu quả chiến lược xanh ở Việt Nam cũng như các cam kết quốc tế mà Việt Nam ký kết.”

Biến đổi khí hậu hiện được coi là thách thức nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt đối với những quốc gia đang phát triển, dễ bị tổn thương và chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu như Việt Nam.

Tại Hội nghị COP26 tháng 11/2021 tại Vương quốc Anh, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 cùng với việc tham gia nhiều sáng kiến, đã thể hiện quyết tâm và trách nhiệm của Việt Nam cùng với cộng đồng quốc tế trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Việc triển khai thực hiện kịp thời các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 sẽ mang lại lợi ích lớn và lâu dài cho sự phát triển bền vững của đất nước, tuy nhiên cũng đòi hỏi huy động nguồn lực tài chính lớn từ xã hội cùng với sự phối hợp triển khai hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, vai trò của hệ thống tài chính, ngân hàng cần được chú trọng như một đòn bẩy, xúc tác để phát triển các hành động, dự án vì khí hậu và giải quyết các thách thức về tính bền vững./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.