Bộ Thông tin và Truyền thông lên tiếng về lộ trình tắt sóng 2G

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm cho biết đang giao cơ quan chức năng căn cứ xu hướng phát triển của thế giới, xem xét, đánh giá nhu cầu của Việt Nam để đưa ra lộ trình tắt 2G hợp lý.
Bộ Thông tin và Truyền thông lên tiếng về lộ trình tắt sóng 2G ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Viettel)

Trước kiến nghị của Hiệp hội vận tải ôtô Việt về lộ trình “Thu hồi tần số mạng 2G,” Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm cho biết đang giao cơ quan chức năng căn cứ xu hướng phát triển của thế giới, xem xét, đánh giá nhu cầu của Việt Nam để đưa ra lộ trình hợp lý.

Thông tin này được Thứ trưởng Phan Tâm chia sẻ bên lề Hội thảo chuyên đề 4G LTE Việt Nam-Hàn Quốc diễn ra sáng nay, 4/1 tại Hà Nội.

Trước đó, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2016 của Bộ Thông tin và Truyền thông diễn ra sáng 31/12, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Viettel đề nghị cơ quan chức năng sớm có có lộ trình tắt sóng 2G để dành tài nguyên cho phát triển 4G.

Lý do ông Hùng đưa ra là một số nước đã làm và việc này sẽ đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa mạng viễn thông Việt Nam trong bối cảnh tài nguyên tần số đang cạn kiệt.

Vào tháng Ba, Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam đã có văn bảnkiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Quản lý tần số Vô tuyến điện cần có lộ trình “Thu hồi tần số mạng 2G” vì lo sợ việc thay đổi này sẽ làm “tê liệt” các thiết bị hộp đen được gắn trên phương tiện vận tải.

Ông Trần Xuân Đức, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần TCT Toàn Cầu (nhà cung cấp hộp đen TCT-01 ra thị trường) cho rằng, lộ trình để thực hiện tắt 2G sớm nhất ở Việt Nam cũng phải trong 10 năm tới. Lộ trình này sẽ được rút ngắn hay kéo dài phần lớn phụ thuộc vào năng lực cung cấp dịch vụ của các nhà mạng và tốc độ chuyển đổi thiết bị đầu cuối của người dùng.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Phan Tâm cho hay, trên thế giới, cùng với xu hướng kết nối internet vạn vật (IoT), nhiều loại hình dữ liệu kết nối M2M (máy tới máy) đã được cung cấp trên nền mạng và công nghệ 2G như thu tiền điện, điều khiển nhà thông minh, giám sát hành trình xe…

Lý do của việc này là mạng 2G đã được xây dựng từ lâu, giá thành rẻ, chất lượng dịch vụ ổn định, tin cậy với vùng phủ rộng khắp, dung lượng và tốc độ của dịch vụ không đòi hỏi cao.

Tuy nhiên, với sự tiến hóa của công nghệ, lượng thuê bao 2G ngày càng giảm. Gần đây, một số nước đã có lộ trình tắt mạng 2G như Singapore (từ tháng 4/2017); hãng Telstra thông báo kế hoạch tắt mạng GSM ở Australia từ 12/2016… Trong khi đó, một số nước vẫn duy trì mạng 2G để đáp ứng nhu cầu sử dụng thoại, nhắn tin và dịch vụ thông tin M2M.

Tại Việt Nam, mạng 2G GSM vẫn đang đóng vai trò quan trọng. Tuy vậy, số người sử dụng cũng dần suy giảm theo xu hướng chung và chuyển sang dịch vụ mới trên nền tảng 3G và tiếp tới là 4G.

Bộ Thông tin và Truyền thông lên tiếng về lộ trình tắt sóng 2G ảnh 2Kiểm tra thiết bị hộp đen được lắp đặt trên xe khách. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Trước kiến nghị của Hiệp hội Vận tải, Bộ Thông tin và Truyền thông đang giao cơ quan chức năng căn cứ xu hướng phát triển của thế giới, xem xét, đánh giá nhu cầu của Việt Nam để đưa ra lộ trình hợp lý để có thể khai thác hiệu quả hơn nguồn tài nguyên hiện đang dành cho phát triển 2G.

Thứ trưởng Phan Tâm cũng cho rằng trong vòng mọi trường hợp, các doanh nghiệp phải bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp lý của khách hàng. Đặc biệt, phải hướng tới lợi ích chung nhất của toàn xã hội.

Trước câu hỏi liệu 10 năm tới có tắt 2G không, ông Tâm cho hay cần có nghiên cứu cụ thể để trả lời câu hỏi này. Bởi lẽ vòng đời công nghệ và dịch vụ hiện rất nhanh. Trong trường hợp dịch vụ mới rẻ và tiện ích hơn 2G thì việc thay đổi sẽ không gây ra phản đối cho người tiêu dùng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục