Tắt sóng 2G, nhà xe "chạy đua" không nổi với lộ trình dịch vụ 4G

Hàng trăm nghìn thiết bị giám sát hành trình trên xe ôtô sẽ bị “tê liệt” trước thông tin nhà mạng đề xuất lên Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tắt sóng 2G để sử dụng cho dịch vụ 4G.
Tắt sóng 2G, nhà xe "chạy đua" không nổi với lộ trình dịch vụ 4G ảnh 1Kiểm tra thiết bị hộp đen được lắp đặt trên xe khách. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Hàng trăm nghìn thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) trên xe ôtô đang sử dụng 2G sẽ bị “tê liệt” trước thông tin nhà mạng đề xuất lên Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tắt sóng 2G, thu hồi tần số mạng 2G để sử dụng cho dịch vụ 4G.

Dù các nhà mạng chưa đưa ra lộ trình khi nào sẽ tắt 2G, tuy nhiên, đại diện các đơn vị cung cấp thiết bị hộp đen và doanh nghiệp vận tải đang sử dụng dịch vụ 2G đều khẳng định, cần có bước "chạy đà" và một lộ trình thực hiện mới có thể thu hồi dải tần số đã cấp cho mạng di động 2G chuyển sang 4G.

Khó quản lý, giám sát hàng trăm nghìn xe

Trước thông tin các nhà mạng di động đang triển khai dịch vụ di động thế hệ thứ tư (4G) và hiện tại một số nhà mạng có kiến nghị tắt dịch vụ 2G, thu hồi tần số mạng 2G để sử dụng cho dịch vụ 4G, Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam vừa có văn bản kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Quản lý tần số Vô tuyến điện cần có lộ trình “Thu hồi tần số mạng 2G”.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam cho biết, theo Luật Giao thông đường bộ 2008, phương tiện kinh doanh vận tải phải gắn thiết bị hộp đen. Từ đó đến nay, các phương tiện vận tải ôtô đã thực hiện việc gắn thiết bị này trên xe.

“Trên thực tế hộp đen đã trở thành công cụ quản lý của các đơn vị vận tải đồng thời giúp cho cơ quan quản lý Nhà nước giám sát quản lý phương tiện nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Các thiết bị hiện nay hầu hết sử dụng các loại linh kiện hoạt động trên nền tảng mạng 2G hoặc 2,5G,” ông Thanh khẳng định.

Theo ông Thanh, nếu kiến nghị dừng cung cấp dịch vụ 2G được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận sẽ rất khó khăn cho việc quản lý và khai thác hơn 300.000 xe ôtô kinh doanh vận tải đã gắn hộp đen.

Là một trong những đơn vị vận tải đã lắp đặt hộp đen cho xe khách và taxi, theo ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty Vận tải Đất Cảng, đơn vị đang quản lý, giám sát phương tiện và tài xế thông qua hộp đen rất hiệu quả.

“Thiết bị lắp đặt hộp đen lắp trên xe dao động từ 4-6 triệu/chiếc tùy theo sản phẩm. Các đơn vị cung ứng và lắp đặt đều cam kết duy trì thiết bị, khi có sự cố sẽ được khắc phục ngay. Thực tế, các hộp đen đang hoạt động ổn định. Nếu nâng cấp, chuyển đổi dịch vụ mạng sẽ khiến doanh nghiệp tốn kém thêm chi phí, thời gian trong khi các loại chi phí cầu đường cũng đang gia tăng,” ông Hải nói.

Theo một nhà xe chạy tuyến Điện Biên-Hà Nội, ngay khi biết được thông tin về việc tắt dịch vụ 2G, nhà xe này “giật mình” và không khỏi hoang mang về việc phải thay đổi thiết bị.

“Hộp đen dùng dịch vụ 2G rất hiệu quả đối với những cung đường miền núi và những khu vực xa xôi vì truyền được dữ liệu liên tục về trung tâm dữ liệu của Sở Giao thông Vận tải. Trong khi mạng 3G tại Việt Nam hiện nay phạm vi phủ sóng cũng còn rất nhiều hạn chế. Nhiều lúc điện thoại đang gọi điện mất sóng giữa chừng, chưa nói đến dữ liệu hộp đen nếu mất sóng thì sẽ gián đoạn quá trình truyền về, ảnh hưởng đến công tác giám sát, theo dõi của đơn vị vận tải và cơ quan Nhà nước,” vị đại diện này phân tích kỹ hơn.

Cần có bước “chạy đà” về lộ trình

Khẳng định ở thời điểm hiện tại, các nhà mạng viễn thông kiến nghị tắt dịch vụ 2G để sử dụng cho dịch vụ 4G là chưa thực tế, ông Trần Xuân Đức, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần TCT Toàn Cầu (nhà cung cấp hộp đen TCT-01 ra thị trường) bày tỏ, chưa vội bàn về công nghệ 4G, đối với mạng 3G tại Việt Nam hiện nay phạm vi phủ sóng cũng còn rất nhiều hạn chế.

“Rất nhiều dịch vụ viễn thông truyền thống như thoại và SMS vẫn được thực hiện trên nền tảng 2G là chủ yếu. Ngoài yếu tố giá cao, chất lượng dịch vụ 3G của một số nhà mạng hiện nay cũng chỉ nhỉnh hơn 2,5G một ít. Do đó, nhiều người dân vẫn đang phải dùng dịch vụ 2G,” ông Đức nhấn mạnh.

Đối với các doanh nghiệp vận tải và đơn vị cung cấp, sản xuất thiết bị giám sát hành trình, ông Đức cho rằng, việc sử dụng các thiết bị hộp đen hoạt động trên nền tảng mạng 2G hoặc 2,5G vẫn là lựa chọn tốt nhất hiện nay. Các linh kiện cho modul 2,5G được tích hợp trong các thiết bị hộp đen trên thị trường đang thực hiện tốt nhất việc truyền dữ liệu giám sát hành trình phương tiện giao thông trên cả nước vì đáp ứng được các yếu tố về giá thành phù hợp, khả năng và phạm vi kết nối rộng khắp.

Tắt sóng 2G, nhà xe "chạy đua" không nổi với lộ trình dịch vụ 4G ảnh 2Các đơn vị vận tải và nhà cung cấp hộp đen đều mong muốn có lộ trình tắt sóng 2G. (Ảnh: TTXVN)

Thừa nhận việc nghiên cứu sản xuất hộp đen hoạt động trên nền tảng 2,5G hay 3G đều đơn giản như nhau, không hề có sự khó khăn trong việc tích hợp modul kết nối và bản thân nhà cung cấp không bất ngờ về mặt công nghệ, tuy nhiên ông Đức khẳng định, lộ trình để thực hiện tắt 2G sớm nhất cũng phải trong 10 năm tới. Lộ trình này sẽ được rút ngắn hay kéo dài phần lớn phụ thuộc vào năng lực cung cấp dịch vụ của các nhà mạng và tốc độ chuyển đổi thiết bị đầu cuối của người dùng.

“Nếu lộ trình này bị ‘đốt cháy giai đoạn’ và thúc đẩy quá sớm thì không chỉ riêng lĩnh vực giám sát hành trình mà cả xã hội cũng sẽ bị ảnh hưởng vì thực tế thiết bị đầu cuối 3G, 4G luôn có giá thành cao hơn thiết bị 2,5G. Đơn giản là do giá thành linh kiện 2,5G rẻ hơn. Hiện tại, nếu tích hợp một modul kết nối 3G vào thiết bị hộp đen thì giá thành có thể sẽ đổi lên rất lớn. Nguyên nhân là do linh kiện 3G được nhập khẩu trước khi đưa vào sản xuất đã có giá cao hơn linh kiện modul 2,5G khoảng 3 lần. Ngoài ra,việc chuyển đổi modul kết nối từ 2G sang 3G, 4G sẽ buộc phải hợp quy lại sản phẩm nên cũng cần nhiều thời gian để thực hiện,” ông Đức chỉ ra thực tế.

Cùng chung quan điểm, ông Đào Thanh Anh, Giám đốc Công ty Điện tử Bình Anh, đơn vị chuyên sản xuất, lắp ráp thiết bị hộp đen cho rằng, thực tế, tất cả các thiết bị giám sát hành trình không thể chạy được mạng 4G. Nếu chuyển sang 4G thì chi phí sản thiết bị sẽ đội lên khoảng 50% do hộp đen sẽ phải thay đổi phần mềm và đặc biệt là modul chạy phải nâng cấp toàn diện, chưa tính đến thời gian doanh nghiệp vận tải phải thu xếp, bố trí phương tiện để đơn vị lắp đặt thay đổi, nâng cấp thiết bị sẽ rất tốn kém.

Đại diện các nhà cung cấp hộp đen đều nhấn mạnh đến việc trước đây các nhà mạng cũng đã phối hợp rất tốt với các nhà sản xuất thiết bị hộp đen và Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam để cung cấp đến người dùng cuối các gói cước dữ liệu phù hợp với đặc thù của ngành vận tải đồng thời mong muốn các nhà mạng tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vận tải các dịch vụ dữ liệu phù hợp nhất để chi phí duy trì hoạt động của thiết bị hộp đen ngày càng rẻ, góp phần cùng doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước minh bạch hóa thị trường vận tải ôtô, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông...

Trước những khó khăn của doanh nghiệp vận tải và đơn vị cung cấp, lắp đặt hộp đen, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Quản lý tần số Vô tuyến điện xác định lộ trình (trao đổi thống nhất với các nhà cung cấp hộp đen) thu hồi mạng di động 2G để nhà cung cấp hộp đen và các đơn vị kinh doanh vận tải có thời gian nâng cấp chuyển đổi các thiết bị đảm bảo khai thác liên tục, không bị gián đoạn; có giải pháp kỹ thuật để duy trì hoạt động của các hộp đen đang chạy trên nền mạng 2G (hoặc 2,5G) để giảm bớt khó khăn cho các đơn vị cung cấp và sử dụng hộp đen gắn trên xe ôtô./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục