Bố trí ổn định dân cư các vùng thiên tai, biển giới và hải đảo

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa ban hành Thông tư quy định quy trình bố trí, ổn định dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo.
Bố trí ổn định dân cư các vùng thiên tai, biển giới và hải đảo ảnh 1Ổn định dân cư vùng biên giới, hải đảo. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Nhằm ổn định và nâng cao đời sống của người dân, góp phần củng cố an ninh, quốc phòng, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, theo yêu cầu Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đã ký ban hành Thông tư số 19/2015/TT-BNNPTNT quy định quy trình bố trí, ổn định dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng trên địa bàn cả nước đến năm 2020.

Theo Thông tư số 19, việc bố trí ổn định dân cư phải thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch của địa phương được cấp có thẩm quyền phê duyệt hàng năm và từng giai đoạn, đảm bảo ổn định đời sống, phát triển sản xuất, thực hiện công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương; bảo đảm sự đoàn kết giữa các dân tộc của cộng đồng dân cư trên địa bàn.

Thông tư cũng khẳng định, quy trình bố trí, ổn định dân cư là căn cứ để thanh toán, quyết toán nguồn kinh phí hỗ trợ bố trí, ổn định dân cư theo quy định tài chính hiện hành đồng thời là cơ sở để thực hiện thanh tra, kiểm tra, đánh giá hiệu quả công tác bố trí, ổn định dân cư.

Đối với bố trí, ổn định dân cư trong huyện, Thông tư nêu rõ: Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đi có nhiệm vụ căn cứ vào kế hoạch bố trí, ổn định dân cư được cấp có thẩm quyền giao hàng năm; tổ chức tuyên truyền, vận động để người dân thuộc diện bố trí ổn định hiểu rõ về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với Chương trình bố trí dân cư và mục tiêu dự án, phương án.

Ngoài ra, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đi cần chủ động phối hợp với chủ dự án tổ chức họp các hộ dân trong thôn, bản thuộc vùng dự án phổ biến chủ trương, kế hoạch bố trí, ổn định dân cư, công khai chính sách, chế độ được hỗ trợ; hướng dẫn các chủ hộ làm đơn tự nguyện tham gia vào các dự án bố trí, ổn định dân cư và phương án bố trí dân cư xen ghép.

Đối với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đến, Thông tư yêu cầu tổ chức triển khai thực hiện bố trí, ổn định các hộ dân đến khu tái định cư, xen ghép theo dự án, phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; hướng dẫn các hộ tổ chức phát triển sản xuất, ổn định đời sống và xây dựng nhà ở theo quy hoạch; khai hoang đất ở, đất sản xuất hoặc tổ chức chuyển nhượng đất đai để giao cho các hộ dân.

Để đảm bảo yêu cầu, Thông tư cũng đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo đơn vị có liên quan thực hiện chi trả chế độ chính sách cho các hộ được phê duyệt bố trí, ổn định dân cư theo quy định hiện hành đồng thời phối hợp với chủ dự án lập biên bản nghiệm thu.

Ngoài ra, Thông tư cũng quy định rõ về trách nhiệm thực hiện kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện quy trình bố trí, ổn định dân cư trên địa bàn của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh. Theo đó, đối với các hộ dân sống trong vùng thiên tai, nguy cơ cao thiên tai, di cư tự do, rừng đặc dụng không tự nguyện bố trí, ổn định dân cư thì chính quyền địa phương xử lý theo quy định hiện hành và bố trí theo quy hoạch.

Thông từ này có hiệu lực kể từ ngày 10/6/2015./.

Theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2013-2020 thực hiện bố trí ổn định 160.000 hộ. Trong đó giai đoạn 2013-2015 bố trí ổn định 55.900 hộ, bao gồm: 32.100 hộ vùng thiên tai; 6.600 hộ vùng đặc biệt khó khăn; 8.600 hộ vùng biên giới, hải đảo; 8.600 hộ di cư tự do, hộ cư trú trong khu rừng đặc dụng.

Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo ở vùng dự án bố trí dân cư từ 1,5% - 2%/năm; tỷ lệ hộ dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt từ 70% - 80%, sử dụng điện đạt từ 90% - 95%; tỷ lệ hộ có nhà kiên cố và bán kiên cố đạt từ 70% - 80%.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục