Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, ngày 30/5, nhân dịp thăm chính thức Hàn Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã dự Lễ ra mắt Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam (BAViK) và tiếp các trí thức khoa học trẻ Việt Nam tại Hàn Quốc.
Phát biểu tại buổi Lễ ra mắt BAViK, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn chúc mừng Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Hàn Quốc chính thức được thành lập; nhấn mạnh việc thành lập Hiệp hội là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của cộng đồng doanh nhân Việt tại Hàn Quốc nói riêng, sự phát triển lớn mạnh của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có cộng đồng kiều bào ta tại Hàn Quốc nói chung.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất.
Kể từ năm 2022, hai nước đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, Hàn Quốc tiếp tục đứng thứ nhất về đầu tư (FDI), đứng thứ 2 về hợp tác phát triển (ODA), đứng thứ 3 về hợp tác lao động, thương mại.
Ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp quan trọng của các doanh nhân đối với sự phát triển của đất nước thời gian qua, Bộ trưởng khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, chia sẻ, lắng nghe và sẽ luôn có các cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ đội ngũ doanh nhân kiều bào hướng về Tổ quốc, cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam tại Hàn Quốc cần tranh thủ khai thác tốt các lợi thế và cơ hội hợp tác kinh tế giữa hai nước, đẩy mạnh gắn kết với doanh nghiệp trong nước, đoàn kết cùng phát triển ngày một lớn mạnh, đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của đất nước cũng như quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hàn Quốc.
Thay mặt BAViK, ông Đào Tuấn Hùng Cảm ơn sự quan tâm, coi trọng của Ủy ban Nhà nước về người nước ngoài, Bộ Ngoại giao đối với cộng đồng kiều bào Việt Nam tại Hàn Quốc nói chung, Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Hàn Quốc nói riêng; đồng thời mong muốn thời gian tới, Hiệp hội tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong nước, để BAViK phát huy được vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp hai nước Việt Nam-Hàn Quốc.
BAViK được Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài chính thức công nhận kể từ ngày 21/10/2023.
Ban đầu, Hiệp hội có hơn 40 doanh nghiệp thành viên, hoạt động nhiều lĩnh vực. Đến nay doanh nghiệp kiều bào tại Hàn Quốc đã có 29 dự án trong số 421 dự án đầu tư FDI của kiều bào từ 32 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.
Cùng ngày 30/5, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã dự tọa đàm cùng Nhóm trí thức, nhà khoa học trẻ Việt Nam tại Hàn Quốc, bao gồm các giáo sư, tiến sỹ, nghiên cứu sinh sau tiến sỹ... trong các lĩnh vực khoa học công nghệ mũi nhọn hàng đầu hiện nay.
Phát biểu tại tọa đàm, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn bày tỏ vui mừng được gặp gỡ và trao đổi cùng đại diện các trí thức, nhà khoa học trẻ Việt Nam đang sinh sống, làm việc, học tập tại Hàn Quốc; đồng thời khẳng định chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta luôn coi cộng đồng người Việt tại nước ngoài là một phần máu thịt của dân tộc Việt Nam, là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn quan tâm tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung, kiều bào ta ở Hàn Quốc nói riêng và luôn coi trọng các nguồn lực kinh tế, đầu tư và chất xám của kiều bào.
Bộ trưởng bày tỏ vui mừng khi thấy cộng đồng trí thức Việt Nam ngày càng lớn mạnh, từng bước chiếm lĩnh, nắm bắt các lĩnh vực công nghệ mới, “sánh vai với các cường quốc năm châu;” mong rằng cộng đồng trí thức, những nhà khoa học phát huy giá trị Việt trong xã hội sở tại, tiếp tục cống hiến trí tuệ cho khoa học thế giới cũng như đóng góp xây dựng quê hương.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng cho biết Chính phủ đang đặt quyết tâm rất cao cho các giải pháp tập trung vào 3 đột phá chiến lược trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), công nghiệp bán dẫn với các thể chế, chính sách ưu đãi, thu hút nhân tài, hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực.
Bộ Ngoại giao đã lập Tổ công tác về thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và sẵn sàng làm cầu nối đưa tri thức, công nghệ, trí tuệ của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vào phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, các nhà khoa học bày tỏ tin tưởng vào chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước trong quản trị, xây dựng đất nước, nhất là quan tâm, ưu tiên đầu tư cho khoa học công nghệ trong kỷ nguyên số phát triển mạnh mẽ như hiện nay.
Các ý kiến phát biểu đều thể hiện tâm huyết, trách nhiệm và tình cảm hướng về quê hương thông qua những giải pháp đề xuất rất sâu sắc và cụ thể./.
Truyền thông Hàn Quốc đánh giá Việt Nam là điểm sáng trong lĩnh vực R&D
Năm 2019, số lượng nhân sự R&D của LG tại Việt Nam chỉ vào khoảng 200 người, nhưng đến tháng 1/2023, bộ phận R&D tại Việt Nam với khoảng 750 người đã tách cơ chế hoạt động độc lập.