Ngày 12/4, tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, các tháp tuabin điện gió ngoài khơi công suất 10 MW được sản xuất tại Việt Nam chuẩn bị được xuất xưởng và vận chuyển từ Khu Công nghiệp Phú Mỹ đến khu vực thi công Dự án Điện gió Jeonnam 1 nằm ngoài khơi tỉnh Jeonnam, phía Tây Nam Hàn Quốc vào cuối tháng Tư.
10 tháp tuabin được sản xuất tại nhà máy của Công ty CS Wind Việt Nam tại thị trấn Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Đây cũng là nhà máy sản xuất tháp tuabin đầu tiên của CS Wind trên thế giới, thành lập vào năm 2003.
Lô tháp tuabin chế tạo lần này nằm trong gói hợp đồng cung ứng của CS Wind cho Công ty Siemens Gamesa Renewable Energy (Siemens Gamesa), trong hợp đồng của Siemens Gamesa cung cấp tuabin gió cho Dự án Điện gió ngoài khơi Jeonnam 1.
Ông Radoslaw Rams, Giám đốc Quản lý dự án ngoài khơi khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Siemens Gamesa, nhận định nhà máy sản xuất tháp tuabin CS Wind Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng cho các dự án điện gió ngoài khơi của Siemens Gamesa, không chỉ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà còn trên toàn cầu.
Jeonnam 1 là liên doanh giữa Tập đoàn lớn của Hàn Quốc SK E&S với Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) - nhà đầu tư lớn nhất thế giới tập trung đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, đồng thời là nhà phát triển dự án điện gió ngoài khơi hàng đầu thế giới.
Dự án Jeonnam 1 có công suất 99 MW dự kiến sẽ trở thành trang trại điện gió ngoài khơi quy mô thương mại đầu tiên của Hàn Quốc, có kế hoạch đi vào vận hành trong năm 2024, cung cấp năng lượng xanh cho khoảng 60.000 hộ gia đình tại Hàn Quốc.
Với nhà máy sản xuất tháp tuabin gió ngoài khơi tại Bà Rịa-Vũng Tàu, CS Wind Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng cho ngành điện gió ngoài khơi của Việt Nam, cung ứng cho các dự án của Tập đoàn CIP tại Việt Nam, bên cạnh thị trường điện gió ngoài khơi Hàn Quốc và các thị trường khác.
Tập đoàn CIP đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Tập đoàn CS Wind, trong đó CS Wind có thể trở thành nhà cung cấp tiềm năng cho hạng mục tháp và móng tuabin cho Dự án Điện gió ngoài khơi La Gàn nằm ngoài khơi tỉnh Bình Thuận, cũng như hỗ trợ các dự án điện gió ngoài khơi khác của CIP tại Việt Nam.
Ông Stuart Livesey, đại diện Tập đoàn CIP tại Việt Nam, cho rằng Việt Nam có vị thế thuận lợi phát triển chuỗi cung ứng nội địa phục vụ cho các dự án điện gió ngoài khơi trong nước và có tiềm năng trở thành trung tâm xuất khẩu các hạng mục như móng tuabin, tháp tuabin, trạm biến áp ngoài khơi và các linh kiện khác phục vụ các dự án điện gió ngoài khơi trong khu vực.
Cùng với những chính sách sắp tới của Chính phủ nhằm khuyến khích và khởi tạo ngành điện gió ngoài khơi, Việt Nam có cơ hội có được lợi ích kinh tế-xã hội to lớn từ việc phát triển chuỗi cung ứng nội địa, tự chủ sản xuất năng lượng xanh nhằm đảm bảo an ninh năng lượng.
"Tôi rất vui mừng khi chứng kiến Siemens Gamesa lựa chọn các nhà cung cấp thứ cấp tại Việt Nam như CS Wind Việt Nam, tận dụng nguồn lao động lành nghề sẵn có ở Việt Nam sản xuất các hạng mục cho dự án tại Hàn Quốc cũng như các nước trong khu vực," ông Stuart Livesey bày tỏ.
Ông Stuart cũng chia sẻ Tập đoàn CIP đã phát hành cuốn cẩm nang "Nguồn nhân lực ngành điện gió ngoài khơi,", trong đó chia sẻ thông tin cơ hội nghề nghiệp trong ngành điện gió ngoài khơi cho những nhân sự Việt Nam có mong muốn phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực mới mẻ và thú vị này.
Nhân dịp này, ông Ryan Colbeck - Giám đốc Dự án Jeonnam 1, ông Stuart Livesey - đại diện Tập đoàn CIP tại Việt Nam, bà Lê Thị Phương Nhi - Giám đốc điều hành Công ty Siemens Gamesa Việt Nam và ông Nguyễn Thế Kiện, Tổng Giám đốc Công ty CS Wind Việt Nam đã thăm thực địa tới nhà máy sản xuất tháp tuabin gió của CS Wind tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu./.
Tập đoàn SK hợp tác phát triển điện mặt trời và điện gió ở Việt Nam
SK ecoplant và BCG Energy sẽ bắt đầu cùng phát triển dự án năng lượng tái tạo có công suất 700MW, gồm điện gió trên bờ 300MW, điện mặt trời trên mái nhà 300MW và điện mặt trời trên bờ 100MW.