Bộ trưởng Công Thương: Cân đối đủ nguồn đảm bảo cung cấp than cho điện

Bộ Công Thương yêu cầu doanh nghiệp cung cấp than chịu trách nhiệm toàn diện nếu không cung cấp đủ than theo cam kết, còn doanh nghiệp sử dụng than chịu trách nhiệm nếu không thực hiện đúng hợp đồng.
Bộ trưởng Công Thương: Cân đối đủ nguồn đảm bảo cung cấp than cho điện ảnh 1Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm việc với các Tập đoàn về cung cấp than cho sản xuất điện, đạm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tại buổi làm việc với các đơn vị gồm: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Dầu khí Việt Nam (PVN), Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV), Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc và một số Tổng Công ty phát điện, ngày 3/3, Bộ Trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu không để đứt gãy nguồn cung than cho sản xuất điện, đạm trong mọi tình huống.

Đảm bảo hợp đồng mua bán than cho điện

Báo cáo của Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương) cho thấy, năm 2023 dự kiến than thương phẩm sản xuất khoảng 57,88 triệu tấn, trong đó than thương phẩm sản xuất trong nước khoảng 44,68 triệu tấn, than nhập khẩu khoảng 13,2 triệu tấn.

[PV Power không nhận được đủ than từ TKV để phát điện]

Tổng than tiêu thụ khoảng 56,95 triệu tấn, trong đó cho các hộ điện vào khoảng 46,16 triệu tấn, hộ phân bón và hóa chất khoảng 2,5 triệu tấn, hộ ximăng khoảng 1,74 triệu tấn, các hộ khác khoảng 4,52 triệu tấn và xuất khẩu khoảng 2,03 triệu tấn.

Đến nay, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc đã hoàn thành việc ký hợp đồng mua bán than năm 2023 với các nhà máy điện, đạm.

Theo đó, TKV đã ký hợp đồng mua bán than cho 22 nhà máy nhiệt điện với tổng khối lượng hoảng 38,52 triệu tấn, 2 nhà máy đạm với tổng khối lượng khoảng 1,59 triệu tấn. Tổng Công ty Đông Bắc đã ký hợp đồng mua bán than năm 2023 với 10 nhà máy nhiệt điện với tổng khối lượng khoảng 7,64 triệu tấn.

Ước thực hiện 2 tháng đầu năm than thương phẩm sản xuất 8,34 triệu tấn, đạt 14,42% kế hoạch năm, than tiêu thụ khoảng 8,69 triệu tấn, đạt 15,25% kế hoạch năm. Trong đó, than cấp cho điện khoảng 7,27 triệu tấn đạt 15,76% kế hoạch năm, than cấp cho phân bón và hóa chất khoảng 0,43 triệu tấn, đạt 17,2% kế hoạch năm.

- Tổng tiêu thụ than của các đơn vị trong năm 2023:

Bộ trưởng Công Thương: Cân đối đủ nguồn đảm bảo cung cấp than cho điện ảnh 2

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao sự nỗ lực của các đơn vị trong việc sản xuất, nhập khẩu và cung cấp than cho sản xuất điện, đạm thời gian qua, góp phần đảm bảo cung cấp đủ điện và đạm phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và sinh hoạt của nhân dân.

Cùng với đó, các đơn vị tiếp tục đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hết sức dị biệt thời gian qua xuất phát từ những mâu thuẫn địa chính trị trên thế giới, khủng khoảng năng lượng dẫn đến giá nhiên liệu đầu vào của các ngành sản xuất tăng cao.

Chủ động xây dựng kế hoạch nhập khẩu than

Để đảm bảo cung cấp đủ than cho sản xuất điện và đạm năm 2023 và các năm tiếp theo, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu trong mọi tình huống, các Tập đoàn (TKV, EVN, PVN), các Tổng Công ty và chủ đầu tư các nhà máy điện, đạm phải bảo đảm đủ nguồn cung than cho sản xuất điện, đạm để phục vụ phát triển kinh tế đất nước và sinh hoạt của người dân; không được để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung than (kể cả việc thiếu hụt, đứt gãy cục bộ).

Bộ trưởng Công Thương: Cân đối đủ nguồn đảm bảo cung cấp than cho điện ảnh 3Các đơn vị tham gia góp ý kiến tại hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Để làm được điều đó, ông Diên yêu cầu các doanh nghiệp cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao liên quan đến việc cung cấp than cho sản xuất điện tại Chỉ thị số 29/CT-TTg và chỉ đạo của Bộ Công Thương về việc cung cấp than cho sản xuất điện, đạm trong thời gian qua.

Cùng với đó, các Tập đoàn nắm chắc tình hình và kịp thời báo cáo, đề xuất với các cấp có thẩm quyền để chỉ đạo giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Ngoài ra, ông Diên lưu ý các bên liên quan thực hiện nghiêm túc các cam kết tại Hợp đồng mua bán than cho sản xuất điện, đạm đã ký. Doanh nghiệp cung cấp than chịu trách nhiệm toàn diện nếu không cung cấp đủ than theo cam kết dẫn tới thiếu than cho sản xuất điện và đạm trong nước. Ngược lại, các doanh nghiệp sử dụng than cũng phải chịu trách nhiệm nếu không thực hiện đúng hợp đồng mua than.

Lãnh đạo Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị chủ động, tích cực và đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, tìm kiếm đối tác, bạn hàng xuất khẩu than trên thế giới, nhất là với các nước mà Việt Nam là thành viên trong các Hiệp định thương mại tự do và các nước đã ký kết các văn bản hợp tác với các bộ, ngành chức năng; trong đó, lưu ý chú trọng đến các thị trường xuât khẩu than tiềm năng (như Australia, Indonesia, Nam Phi, Lào…) mà Bộ Công Thương đã tổ chức kết nối tại các diễn đàn giao thương và tại các Kỳ họp liên quan.

Ông Diên đề nghị các đơn vị khẩn trương tổ chức nghiên cứu các cơ chế, chính sách của Lào liên quan đến hoạt động thương mại than và khảo sát thị trường than của Lào, các tuyến đường vận chuyển than về Việt Nam để bảo đảm tối ưu. Có phương án chuẩn bị hệ thống kho cảng chứa than tại Việt Nam ở vị trí phù hợp (nhất là trên địa bàn các tỉnh, thành phố có đường biên giới giáp Lào) để có thể tiếp nhận hiệu quả than nhập khẩu từ Lào.

Bên cạnh đó, các đơn vị thực hiện công tác nhập khẩu than cần chủ động xây dựng kế hoạch nhập khẩu than với lộ trình cụ thể để triển khai thực hiện; chuẩn bị tốt nguồn nhân lực, tài chính, cơ sở hạ tầng phục vụ công tác nhập khẩu than cho sản xuất điện, đạm trong nước.

Tại cuộc họp, Người đứng đầu Bộ Công Thương yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc thực hiện hiệu quả các giải pháp nâng cao năng lực sản xuất, chế biến than để sản xuất tối đa các chủng loại than theo nhu cầu sử dụng của các hộ tiêu thụ, đặc biệt là các chủng loại than cho sản xuất điện.

“Khẩn trương tổ chức rà soát hệ thống kho cảng tại khu vực miền Trung và miền Nam để nghiên cứu đề xuất xây dựng các phương án, kho trung chuyển dự trữ than bảo đảm cung cấp đủ và ổn định cho các nhà máy nhiệt điện than theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị số 29/CT-TTg,” Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Bộ trưởng Công Thương: Cân đối đủ nguồn đảm bảo cung cấp than cho điện ảnh 4Dự kiến năm 2023, tổng than tiêu thụ cho các hộ điện vào khoảng 46,16 triệu tấn. (Ảnh: TTXVN)

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo các Tập đoàn EVN, PVN, TKV, Tổng Công ty Đông Bắc và chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện, nhà máy đạm cần chú trọng hơn nữa đến việc tăng năng suất lao động, đổi mới sáng tạo, giải quyết tốt mối quan hệ giữa giá nguyên/nhiên liệu đầu vào với giá sản phẩm đầu ra phù hợp với quy luật thị trường và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ông cho rằng, cần nêu cao tinh thần tất cả vì mục tiêu chung để tăng cường cơ chế phối hợp nhằm giải quyết kịp thời và hiệu quả các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là trong việc hợp tác tiêu thụ sản phẩm của nhau; phối hợp thực hiện minh bạch, hiệu quả các hợp đồng đã ký kết để cùng đồng hành phát triển./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.