Bộ trưởng Công Thương: Cắt giảm điều kiện kinh doanh đi vào thực chất

Đây được coi là đợt cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh chưa từng có trong lịch sử ngành Công Thương với số lượng điều kiện đầu tư kinh doanh bị cắt giảm lớn nhất từ trước đến nay.
Bộ trưởng Công Thương: Cắt giảm điều kiện kinh doanh đi vào thực chất ảnh 1Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Sau khi công bố sẽ cắt giảm gần 700 điều kiện kinh doanh vào tháng Chín vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tiếp tục yêu cầu các đơn vị chức năng rà soát để bãi bỏ những rào cản gây khó khăn, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

[Bộ Công Thương công bố cắt giảm 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh]

Cắt giảm phải đi vào thực chất

Ngày 20/9 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký ban hành Quyết định số 3610a/QĐ-BCT ban hành phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2017-2018.

Theo Quyết định này sẽ có 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc quyền quản lý của Bộ Công Thương được cắt giảm. Con số này nhiều hơn khoảng 60 điều kiện so với dự kiến ban đầu và chiếm khoảng 55,5% tổng số điều kiện kinh doanh của 27 nhóm ngành hàng.

Như vậy, sau khi cắt giảm, số điều kiện còn lại chỉ còn 541 thay vì con số dự kiến ban đầu là 752 điều kiện. Đây được coi là đợt cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh chưa từng có trong lịch sử ngành Công Thương với số lượng điều kiện đầu tư kinh doanh bị cắt giảm lớn nhất từ trước đến nay.

Theo Bộ Công Thương, trong số 27 ngành nghề nằm trong diện rà soát thì có 10 ngành, nghề không có đề xuất cắt giảm gồm: kinh doanh ngành nghề có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ; dịch vụ nổ mìn; xuất khẩu gạo; tạm nhập tái xuất hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt; tạm nhập tái xuất hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa đã qua sử dụng; kinh doanh khoáng sản; hoạt động mua bán hàng hóa và mua bán hàng hóa của doanh nghiệp FDI; hoạt động dầu khí...

Trong khi 17 ngành, nghề kinh doanh còn lại đề xuất cắt giảm gồm: xăng dầu; khí; tiền chất thuốc nổ; hóa chất; rượu; thuốc lá; thực phẩm; điện; tạm nhập tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh; nhượng quyền thương mại; logistic; tiền chất công nghiệp; Sở giao dịch hàng hóa; giám định thương mại; đa cấp; thương mại điện tử; vật liệu nổ công nghiệp (bao gồm cả hoạt động tiêu hủy).

Tại buổi họp của Ban soạn thảo về cắt giảm các điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương ngày 13/10, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh một lần nữa khẳng định việc rà soát, đơn giản hóa và cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt cùng với sự phát triển của toàn ngành trong thời gian tới và được xem xét ngay khi các văn bản quy phạm pháp luật đang được xây dựng và sắp ban hành chứ không phải khi đã ban hành rồi mới xem xét cắt giảm.

“Đừng nhìn vào các con số mà nhìn vào thực tế, dù 675, 700 thậm chí 1.000 thì con số đó chẳng nói lên điều gì cả. Con số có thể cao hơn hoặc cũng có thể thấp hơn, điều đó không quan trọng mà quan trọng nhất là việc cắt giảm ấy có đi vào thực chất hay không có tạo điều kiện thuận lợi cũng như gỡ khó cho doanh nghiệp hay không. Cắt giảm là thực chất chứ không phải đưa các con số ra cho đẹp”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Bộ trưởng Công Thương: Cắt giảm điều kiện kinh doanh đi vào thực chất ảnh 2Nhiều điều kiện kinh doanh được cắt giảm, bãi bỏ. (Ảnh chỉ mang tính minh họa)

Online một cách tối đa

Đánh giá cao những gì mà Bộ Công Thương đã làm trong thời gian qua cũng như sự cầu thị, lắng nghe của người đứng đầu ngành, bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, Phó phòng Xây dựng Pháp Luật, Ban Pháp chế của Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc cắt giảm một loạt các thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh của Bộ Công Thương thời gian qua là mạnh mẽ và chưa từng có đã tác động ngay và tạo rất nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp.

“Đây chính là món quà ý nghĩa là Bộ Công Thương tặng cho cộng đồng các doanh nghiệp Việt Nam trong Ngày tôn vinh giới doanh nhân hôm nay 13/10”, bà Hồng nhấn mạnh.

Dù vậy, bà Hồng cũng băn khoăn về kế hoạch cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh trong thời gian tới sẽ được thực hiện như thế nào; quá trình chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm sẽ triển khai từ bao giờ và thực hiện ra sao. Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ xử lý thế nào đối với các Nghị định thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng.

Cùng quan điểm trên, theo tiến sỹ Đặng Quang Vinh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Công Thương cần phải tiếp tục rà soát để loại bỏ các thủ tục rườm rà.

Ông Vinh ​cho rằng, việc giữ lại các giấy phép trong khi đã chuyển sang hậu kiểm, bởi theo giải thích của ông, chỉ cần doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện là được kinh doanh, Nhà nước có thể kiểm tra doanh nghiệp định kỳ hoặc bất thường.

"Hiện giờ vẫn còn quy định rất nhiều giấy phép, giấy chứng nhận, mà còn nhiều giấy phép thì vẫn còn nhiều không gian để cải cách," ông Vinh nói.

Với quyết tâm cải cách một cách mạnh mẽ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, Ban soạn thảo làm việc trên 5 nguyên tắc chính, gồm: Chuyển đổi phương thức quản lý nhà nước bằng việc chuyển dần sang hậu kiểm trong xây dựng, thực hiện các điều kiện kinh doanh.

Ngoài ra, việc xây dựng, thực hiện điều kiện đầu tư kinh doanh phải tính đến các điều kiện gia nhập thị trường theo các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Hơn nữa, điều kiện đầu tư, kinh doanh nếu thực sự cần thiết cũng phải đáp ứng các tiêu chí theo quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư 2014.

Bên cạnh đó, phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh và chuyển đổi phương thức quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực phải được đánh giá, xem xét thận trọng về tính khả thi, các điều kiện nguồn lực của cơ quan quản lý nhà nước các cấp, xem xét khả năng phân cấp mạnh mẽ hơn cho các địa phương trong quản lý, thực hiện.

Và cuối cùng, phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh cần phải gắn với công tác cải cách hành chính, đặc biệt là công tác cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính.

"Trên cơ sở 5 nguyên tắc trên và Quyết định 3610a ban hành vừa qua không đồng nghĩa sẽ phải cắt giảm 675 điều kiện, có thể nhiều hơn và cũng có thể ít hơn. Tuy nhiên, việc này phải đi vào thực chất, nghĩa là đơn giản để tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng cho doanh nghiệp, cho người tiêu dùng được hưởng lợi nhiều nhất", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Người đứng đầu Bộ Công Thương ​nhấn mạnh thêm, "Việc rà soát, cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh lần này chỉ là mở đầu cho công tác cải cách của Bộ. Đây sẽ là việc làm thường xuyên, liên tục, không phải việc làm có năm có tháng"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.