Liên quan đến các sai phạm tại trung tâm đăng kiểm, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết tất cả các vi phạm Cục Đăng kiểm Việt Nam đang “chịu trận” trong khi vai trò trách nhiệm của các địa phương là rất lớn.
Cục Đăng kiểm phải “chịu trận?”
Tại Hội nghị Tổng kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 vào sáng 9/2, dù mới về nhận nhiệm vụ nhưng Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng bày tỏ ông thấy hơi chạnh lòng về vấn đề đăng kiểm và đặt nghi vấn phải chẳng là lỗi của Cục Đăng kiểm hay của cả địa phương?
“Cuối cùng lỗi thuộc về Cục Đăng kiểm và phải chịu trận trong các sai phạm ở các trung tâm đăng kiểm trên cả nước. Trong khi đó, nguyên nhân chính là phân cấp, phân quyền cho địa phương,” Bộ trưởng Thắng giãi bày.
Lý giải thêm, theo ông Thắng, một số địa phương cho thành lập các trung tâm đăng kiểm vô tội vạ. Khi có nhiều trạm đăng kiểm thì doanh thu không đủ chi phí, có trạm đăng kiểm lôi kéo doanh nghiệp vận tải dẫn tới tiêu cực, bỏ qua các lỗi vi phạm. Thậm chí, sự cạnh tranh khốc liệt hơn là dung túng, thông đồng chủ xe để cơi nới kích thước thành, thùng hàng.
[Cục Đăng kiểm: Chưa bao giờ người dân phải xếp hàng đêm để ‘khám xe’]
“Sắp tới, Bộ Giao thông Vận tải phân cấp phân quyền nhưng sẽ siết chặt thanh kiểm tra. Các sở giao thông vận tải và ủy ban nhân dân tỉnh cần phân tích rất rõ ranh giới, phối hợp nhau để chỗ nào có lỗ hổng thì bịt vào, quy định lỏng lẻo phải có ý kiến để siết lại, cái nào chặt quá thì mở ra… Hiện, Bộ Giao thông Vận tải đang làm và đề nghị các tỉnh phối hợp làm tốt hơn đồng thời gắn với cả đồng trách nhiệm cụ thể,” ông Thắng nhấn mạnh.
Duy trì xử lý “ma men” cầm lái trên đường
Theo Bộ trưởng Thắng, trong năm 2022, tai nạn giao thông đã giảm rất sâu 3 tiêu chí (số người chết, số vụ và số người bị thương) so với thời điểm trước dịch COVID-19 (năm 2019). Trong 7 ngày Tết Nguyên đán, tai nạn giao thông giảm sâu và gần như không có vụ đặc biệt nghiêm trọng nào so với Tết Nhâm Dần 2022.
“Tai nạn giao thông do nguyên nhân người tham gia giao thông uống bia rượu trong ngày Tết giảm sâu so với năm trước đó. Đây là kinh nghiệm cần tiếp tục phát huy trong năm 2023 và những năm tiếp theo,” ông Thắng chia sẻ.
Nhấn mạnh nhân dân rất đồng tình ủng hộ và lực lượng chức năng tăng cường xử lý, xử phạt các trường hợp vi phạm nồng độ cồn điều khiển phương tiện tham gia giao thông, Tư lệnh ngành Giao thông Vận tải cho biết Bộ trưởng Bộ Công an đã có chỉ thị tiếp tục tập trung duy trì mạnh mẽ kiểm tra xử lý đối với các trường hợp sử dụng rượu bia nhưng vẫn tham gia giao thông để hạn chế các vụ tai nạn giao thông thương tâm.
[Xử lý hơn 7.700 “ma men” trong bảy ngày nghỉ Tết Quý Mão]
Về vấn đề này, Thượng tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết năm 2023, lực lượng cảnh sát giao thông xác định các chuyên đề trọng tâm, xử lý xuyên suốt nồng độ cồn (các địa phương thường xuyên quyết liệt và kiên quyết hình thành thói quen đã uống rượu bia không lái xe), chấn chỉnh người tham gia giao thông và lực lượng thực thi công vụ để đảm bảo thượng tôn pháp luật…
“Hiện nay, người dân khi đi đăng ký xe… đều phải ‘xách xe’ ra đường nên công an tập trung đẩy mạnh dịch vụ công, ứng dụng công nghệ thông tin để người dân có thể nộp phạt xử lý vi phạm hay đăng ký xe tại nhà tránh ùn tắc và tai nạn giao thông; nghiên cứu phân vùng hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng…,” Thượng tá Huy nói thêm.
Bổ sung thêm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề nghị lực lượng cảnh sát giao thông làm thường xuyên liên tục, thành thói quen văn hóa của từng người tham gia giao thông. Ứng dụng dịch vụ công trực tuyến là giải pháp thiết thực không chỉ của lực lượng cảnh sát giao thông mà các địa phương cũng phải cần tăng cường tuyên truyền để người dân biết việc cần thiết mới phải “xách xe” ra đường.
Đánh giá tình hình kinh tế-xã hội có chuyển biến tích cực và các hoạt động giao thông vận tải sẽ tăng cao trong năm nay, ông Thắng cho rằng nếu không có giải pháp kiểm soát quyết liệt thì nguy cơ mất an toàn giao thông là rất cao trong khi mục tiêu đặt ra kéo giảm tai nạn giao thông rất kỳ vọng từ 5-10% nhưng mong muốn tối thiểu giảm ít nhất là 10% ở cả 3 tiêu chí tại mỗi địa phương và cả nước.
Do vậy, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng gợi ý cần có các giải pháp thiết thực, chủ động phù hợp với tình hình thực tế để hướng đến các mục tiêu giảm thiểu ùn tắc giao thông ở các cửa ngõ, đô thị nhằm hoàn thành các mục tiêu đề ra./.