Theo Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân, cần làm rõ hơn vì sao chính sách hiện nay khó thu hút được nhân tài, "chảy máu chất xám từ khu vực công qua khu vực tư." Nhân tài là tài sản chung của đất nước, không phân biệt khu vực công-tư, cần nghiên cứu chính sách hài hòa, kết hợp công-tư để đáp ứng nhu cầu.
"Đầu tư nhân tài là đầu tư rủi ro, nhưng đừng để nhân tài bị rủi ro," Bộ trưởng Nội vụ bày tỏ như vậy tại Hội thảo khoa học chiến lược thu hút, trọng dụng nhân tài trong khu vực công, do Bộ Nội vụ tổ chức ngày 17/7.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng bất cứ một chế độ nào, nhà nước nào, cơ quan nào, thời điểm nào cũng quan tâm đến việc thu hút và trọng dụng nhân tài.
Thời gian qua, vấn đề trọng dụng nhân tài được quy định tại nhiều văn bản khác nhau, mỗi địa phương cũng có chính sách về việc này, có nơi khá thành công, có nơi chính sách không phù hợp. Hiện nay, các chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài đan xen nhau không phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật và còn nhiều vấn đề.
Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có đề án Mekong 1.000, đào tạo những nhà khoa học, thạc sỹ, đại học ở các quốc gia trên thế giới bằng nguồn kinh phí của cơ quan nhưng khi về bố trí sử dụng không phù hợp.
[Xây dựng Đề án 'Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài']
Thành phố Hồ Chí Minh cũng có chương trình đào tạo, nhiều địa phương có chính sách trải thảm đỏ thu hút nhân tài, nhưng việc sử dụng, giữ được người tài và tạo điều kiện cho họ có môi trường phát huy tốt hơn còn khó khăn và bất cập. Đến nay khái niệm thế nào là nhân tài cũng đang là một vấn đề, mỗi quốc gia có khái niệm khác nhau, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết.
Theo phó giáo sư, tiến sỹ Lê Minh Thông, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, nhân tài thời nào cũng có, quan trọng là làm cho họ xuất hiện và sử dụng được họ mới là điều khó. Nếu chúng ta không trọng dụng được nhân tài, không giữ được nhân tài và không tạo môi trường cho nhân tài tồn tại, phát triển thì thất bại. Ông cho rằng phải học lại từ ông bà ta, “hiền tài là nguyên khí quốc gia.”
“Đừng trừu tượng hóa nhân tài lên, vẽ nhân tài là người có đầy đủ áo, mũ, ô và mọi thứ thì rất khó. Hãy quan niệm nhân tài ở từng cấp độ khác nhau chứ không có một mặt bằng, có như vậy chúng ta mới trân trọng từng người có tài năng. Phải trân trọng phát hiện từng cấp độ đó để bồi dưỡng. Vì vậy, không thể có một chính sách chung cho nhân tài, chính sách phải đa dạng mới có thể thu hút được mọi người có biểu hiện nhân tài. Nhân tài tùy thời điểm, có thể rơi rụng đi và phải chấp nhận điều này... Có một cầu thủ tài năng là phải tốn kém, phải nâng niu, bồi dưỡng từ bé. Nhân tài là tốn kém nhưng mang lại hiệu quả," phó giáo sư, tiến sỹ Lê Minh Thông nói.
Về giải pháp, theo ông Lê Minh Thông, phải cải cách mạnh mẽ khu vực công để tinh gọn lại và làm sao cơ bản công chức phải là tinh hoa. Muốn vậy, phải khẩn trương rà soát đội ngũ cán bộ, công chức, đưa ra khỏi bộ máy những người không đủ năng lực, phẩm chất. Cùng với đó, đa dạng hóa chính sách cho từng cấp độ nhân tài để có chính sách sử dụng phù hợp...
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh Lâm Hùng Tấn cho biết từ năm 1999-2000, thành phố đã xây dựng 3 chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo cán bộ trẻ, nhằm tạo nguồn lãnh đạo quản lý, chuyên gia khoa học cho hệ thống chính trị.
Từ các chương trình này, đã có trên 400/1.103 trường hợp cán bộ trẻ được đề bạt, bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý; 111 trường hợp công nhân, sinh viên có tiềm năng được bố trí công tác, bồi dưỡng, tạo nguồn lãnh đạo, quản lý.
Chương trình đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ trong và ngoài nước đã đào tạo trên 690 học viên, gồm 34 tiến sỹ và 656 thạc sỹ, bổ sung nguồn nhân lực trình độ cao cho các sở ngành, quận huyện của thành phố.
Đến nay, có trên 350 cán bộ đang giữ chức vụ lãnh đạo cấp phòng và tương đương trở lên; 65 cán bộ tham gia cấp ủy cấp trên cơ sở và hơn 170 cán bộ tham gia cấp ủy cơ sở.
Về thu hút nhân lực chất lượng cao, từ năm 2014, thành phố đã có chính sách thí điểm thu hút chuyên gia khoa học và công nghệ với mức lương tối đa 150 triệu đồng/tháng.
Từ năm 2014-2018, thành phố đã thu hút 17 chuyên gia, trong đó có 8 chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài, 2 chuyên gia người Việt Nam và 7 chuyên gia người nước ngoài. Đến nay, còn 12 trường hợp tiếp tục công tác.
Theo chính sách mới về thu hút nhân tài giai đoạn 2018-2022 của thành phố, chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt được ký hợp đồng theo nhiệm vụ, công trình cụ thể; được hưởng trợ cấp ban đầu tối đa lên đến 100 triệu đồng.
Hằng tháng, chuyên gia, nhà khoa học được trả lương theo bảng lương chuyên gia. Người tài năng đặc biệt được hưởng mức trợ cấp từ 30-50 triệu đồng/tháng, được hưởng mức thù lao khuyến khích và được hỗ trợ về nhà ở tối đa 7 triệu đồng/tháng cùng các chính sách ưu đãi khác.
Tuy nhiên, ông Lâm Hùng Tấn cũng chỉ ra hạn chế là thành phố chưa có nhiều chính sách khuyến khích giữ chân cán bộ trẻ xuất sắc tiếp tục cống hiến lâu dài; việc quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý nhìn chung chưa tạo bước đột phá, do vậy có những vị trí lãnh đạo, quản lý “dứt áo” ra khỏi khu vực công. Tình trạng chảy máu chất xám trong khu vực công của thành phố do yếu tố cạnh tranh từ khu vực tư.
Theo ông, thu hút nhân tài phải tạo cơ hội bình đẳng cho các đối tượng thuộc mọi thành phần, tầng lớp, vùng miền... Phạm vi thu hút, tuyển chọn nhân tài có thể mở rộng ngoài quốc gia.
Đặc biệt cần quan tâm lực lượng nhân sỹ, trí thức, tài năng trẻ là người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt quan tâm đến các cơ chế đãi ngộ và trọng dụng nhân tài.
Tiến sỹ Dương Quang Tung - Nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước (Bộ Nội vụ) cho rằng, để thu hút, trọng dụng nhân tài, phải tập hợp nhiều giải pháp chứ không chỉ có đãi ngộ. Muốn trọng dụng thì người đứng đầu phải biết sử dụng người./.