Ngày 19/7, Bộ trưởng Quốc phòng Cộng hòa Séc Jana Cernochova tuyên bố Thoả thuận Hợp tác Quốc phòng (DCA) với Mỹ giúp tăng cường đảm bảo an ninh cho quốc gia Trung Âu này.
Trong khi đó, phe đối lập chỉ trích thoả thuận là bất bình đẳng và khiến Cộng hòa Séc phụ thuộc nhiều hơn.
Phát biểu tại Hạ viện, Bộ trưởng Quốc phòng Cernochova cho rằng DCA chứng tỏ mối quan hệ tốt đẹp giữa Cộng hòa Séc và Mỹ.
Bà Cernochova nhấn mạnh ý nghĩa của thoả thuận trong bối cảnh châu Âu phải đối mặt nguy cơ chiến tranh cao nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới Thứ II.
Trong khi đó, đảng đối lập Tự do và Dân chủ Trực tiếp (SPD) yêu cầu tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý hoặc thoả thuận này phải nhận được sự ủng hộ của đa số 3/5 nghị sỹ theo quy định của Hiến pháp.
Lãnh đạo SPD Tomio Okamura bày tỏ lo ngại việc “từ bỏ quyền truy tố các tội ác do binh lính Mỹ gây ra trên lãnh thổ Séc, bao gồm cả những trường hợp nạn nhân là công dân Séc.”
Ông Okamura tái khẳng định SPD “nói không” với binh lính Mỹ và các căn cứ nước ngoài trên lãnh thổ Cộng hòa Séc.
[Hạ viện Séc thông qua dự luật giúp "ổn định chi tiêu" cho quốc phòng]
Cộng hòa Séc và Mỹ đã ký kết DCA ngày 23/5. Theo truyền thông Séc, thoả thuận dài khoảng 40 trang, đề cập đến tất cả các chủ đề liên quan khả năng hiện diện của binh sỹ Mỹ tại Séc, sự hợp tác giữa các lực lượng vũ trang hai nước trên lãnh thổ Séc, song không nêu cụ thể thời gian đồn trú của binh lính Mỹ hoặc khả năng thành lập căn cứ của Mỹ trên lãnh thổ Séc.
Ngày 13/7, Thượng viện Séc đã bỏ phiếu phê chuẩn thoả thuận này.
Theo quy định, DCA với Mỹ cần được cả hai viện Quốc hội Séc thông qua và Tổng thống Petr Pavel ký phê chuẩn.
Séc là quốc gia thứ 24 trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và là nước cuối cùng ở cánh phía Đông của liên minh quân sự này ký DCA với Mỹ./.