Bộ trưởng Tài chính Đức: Sớm vực dậy nền kinh tế sau dịch COVID-19

Bộ trưởng Tài chính Đức nhấn mạnh ngay khi các quán rượu, rạp chiếu phim, cửa hàng có thể mở cửa trở lại, Chính phủ Đức sẽ ngay lập tức triển khai một số biện pháp cần thiết để vực dậy nền kinh tế,
Bộ trưởng Tài chính Đức: Sớm vực dậy nền kinh tế sau dịch COVID-19 ảnh 1Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo bức thư được Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz gửi tới các nhà lập pháp thuộc đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đối tác chính trong liên minh cầm quyền của Thủ tướng Đức Angela Merken ngày 24/3, Chính phủ Đức sẽ thực hiện các biện pháp để phục hồi kinh tế sớm nhất có thể ngay sau khi các doanh nghiệp được phép mở cửa hoạt động trở lại.

Trong bức thư trên, Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz nhấn mạnh ngay khi các quán rượu, rạp chiếu phim hay cửa hàng có thể mở cửa trở lại, Chính phủ Đức sẽ ngay lập tức triển khai một số biện pháp cần thiết để vực dậy nền kinh tế lớn nhất châu Âu này.

Trước đó một ngày, Đức đã thông qua gói cứu trợ trị giá 750 tỷ euro (khoảng 811,13 tỷ USD) để giảm thiểu các tác động tiêu cực của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 2013, Chính phủ Đức phải gánh một khoản nợ mới.

[Kinh tế Đức thiệt hại hàng trăm tỷ euro do dịch COVID-19]

Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier cho biết gói cứu trợ mới được thông qua này chỉ là bước khởi đầu để giải quyết cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19 gây ra đối với nền kinh tế Đức.

Chính phủ Đức dự đoán dịch COVID-19 sẽ khiến nền kinh tế nước này rơi vào suy thoái.

Bên cạnh đó, ông Peter Altmaier để ngỏ khả năng sử dụng Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) - quỹ cứu trợ thường trực của các nước thành viên Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) - khi nhấn mạnh sự đoàn kết giữa các nước châu Âu có ý nghĩa rất quan trọng cho mục tiêu đạt được sự phục hồi kinh tế.

Theo ông Peter Altmaier, các nền kinh tế châu Âu có mối liên hệ rất chặt chẽ và kinh tế Đức có thể phục hồi bền vững chỉ khi kinh tế Eurozone cũng hồi phục./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.