Ngày 1/4, các bộ trưởng tài chính Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã nhóm họp tại Athens (Hy Lạp) để thảo luận về việc giải ngân gói cứu trợ tài chính cho Hy Lạp và cách thức ngừng gói cứu trợ dành cho Bồ Đào Nha.
Tại cuộc họp, Ủy viên phụ trách kinh tế và tiền tệ của Liên minh châu Âu (EU) Olli Rehn cho rằng cần ghi nhận tín hiệu giảm tỷ lệ thất nghiệp ở Bồ Đào Nha. Theo ông, mặc dù tỷ lệ giảm này chưa được như kỳ vọng, song nó cho thấy các nỗ lực của Bồ Đào Nha đang đi đúng hướng.
Về kinh tế Hy Lạp, trên cương vị chủ trì cuộc họp, Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Jeroen Dijsselbloem cho biết cuộc họp sẽ tập trung vào việc giải ngân gói cứu trợ tiếp theo cho Hy Lạp dựa trên các báo cáo của "bộ ba" chủ nợ gồm Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ủy ban châu Âu (EC).
Dự kiến, ngay sau cuộc họp của các bộ trưởng tài chính Eurozone, các bộ trưởng tài chính châu Âu cũng sẽ nhóm họp trong hai ngày 1-2/4 để thảo luận về ảnh hưởng xã hội của khủng hoảng kinh tế, đảm bảo tăng trưởng và ổn định tài chính cho EU, và các vấn đề liên quan đến liên minh ngân hàng.
Cả Hy Lạp và Bồ Đào Nha đều đã nhận được hàng tỷ euro cứu trợ từ IMF và các nước EU, đổi lấy việc phải thực thi một loạt cải cách tài chính dưới sự giám sát chặt chẽ của các thanh sát viên thuộc "bộ ba" chủ nợ.
Hy Lạp, quốc gia chịu tác động nặng nề nhất từ cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế, hy vọng sẽ được giải ngân khoản cứu trợ đã bị trì hoãn lâu nay sau khi nhận được đánh giá tích cực từ "bộ ba" về những cải cách của nước này.
Trong khi đó, với nền kinh tế được cải thiện đáng kể trong thời gian gần đây như giảm thâm hụt ngân sách và giảm tỷ lệ thất nghiệp, Bồ Đào Nha sẽ được xem xét rút khỏi chương trình cứu trợ vốn được khởi động từ năm 2011 và sẽ kết thúc vào giữa tháng 5 tới./.