Dịch vụ công cộng của Hy Lạp tê liệt vì tổng bãi công

Ngày 6/11, các dịch vụ công cộng ở Hy Lạp đã bị tê liệt vì cuộc tổng bãi công do các nghiệp đoàn lớn phát động.

Ngày 6/11, các dịch vụ công cộng ở Hy Lạp đã bị tê liệt trong khi giao thông rối loạn vì cuộc tổng bãi công do các nghiệp đoàn lớn phát động.

Cuộc tổng bãi công diễn ra trong bối cảnh các nhà kiểm toán Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đang hối thúc giới chức Hy Lạp hoàn tất dự thảo ngân sách 2014, văn bản có thể dẫn đến những biện pháp cắt giảm làm gia tăng sự bất bình trong dân chúng.

Hiện tại, nhiều dịch vụ công cộng thiết yếu cũng như dịch vận chuyển bằng tàu hỏa và phà đã ngừng hoạt động. Các bệnh viện cũng giảm số người làm. Một số chuyến bay bị hủy bỏ.

Dự kiến, cuộc tổng bãi công sẽ kéo dài đến 6 giờ tối nay theo giờ Việt Nam. Nghiệp đoàn hàng đầu của Hy Lạp, GSEE - đại diện cho khu vực tư nhân - cho biết các công nhân phản đối những chính sách "thắt lưng buộc bụng" mà họ cho là không hiệu quả.

Trong khi đó, phái đoàn kiểm toán thuộc nhóm "bộ ba" cứu trợ Hy Lạp - gồm EU, IMF và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) - đang hối thúc Athens thúc đẩy các biện pháp khắc khổ hơn nhằm khỏa lấp phần thâm hụt ngân sách được dự báo lên tới 2 tỷ euro (2,7 tỷ USD) trong năm 2014.

Báo cáo của nhóm "bộ ba" khẳng định đây là điều kiện thiết yếu để Hy Lạp được giải ngân phần cứu trợ 1 tỷ euro (1,3 tỷ USD) tối cần thiết tiếp theo.

Trước đó, ngày 5/11, một số người biểu tình cũng đã tụ tập bên ngoài trụ sở Bộ Tài chính và chặn đường nhóm kiểm toán viên của "bộ ba" cứu trợ.

Những người biểu tình bày tỏ sự tức giận trước những đề xuất mới về thuế mà chính phủ Hy Lạp đưa ra để có thể đáp ứng các mục tiêu cắt giảm thâm hụt ngân sách.

Người dân Hy Lạp cho rằng việc cắt giảm chi tiêu trước đây và tình trạng thất nghiệp cao hiện nay đã gây cho họ quá đủ khó khăn nên không nhất thiết phải tiếp tục áp dụng thêm các biện pháp "thắt lưng, buộc bụng mới"./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.