Là người trả lời chất vấn đầu tiên trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội sáng 17/11, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã giải đáp các câu hỏi liên quan đến vấn đề nợ công, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, cân đối thu chi ngân sách Nhà nước, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan…, theo đề nghị của các đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc), Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình), Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng).
Liên quan đến nợ công, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, theo yêu cầu quản lý mục tiêu của quản lý chiến lược nợ công đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030, nợ công của Việt Nam không quá 65% GDP, trong đó nợ chính phủ không quá 55% GDP và nợ nước ngoài quốc gia không quá 50%.
Nhìn lại 5 năm, năm 2011 nợ công là 50%, năm 2014 là 59,6% và dự kiến năm 2015 nợ công là 61,3%. Đối chiếu lại chiến lược và đối chiếu lại các chỉ tiêu đánh giá an toàn nợ công cho thấy, Việt Nam đã đạt được 5 chỉ tiêu, chỉ có 1 chỉ tiêu không đạt là bù đắp bội, chi ngân sách nhà nước.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng đề xuất cần có giải pháp mềm dẻo hơn để từng bước tái cơ cấu lại nợ và bảo đảm an toàn nợ công như đa dạng hóa kỳ hạn trái phiếu; đề xuất Quốc hội cho phát hành thêm trái phiếu quốc tế để tái cơ cấu lại nợ nước ngoài của Chính phủ và nợ trong nước của Chính phủ.
Cho biết nợ công vẫn trong tầm kiểm soát, tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận, tốc độ tăng vừa qua là quá cao 20%/năm.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ Tài chính đã kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 02 để tăng cường quản lý nợ công với các nội dung chủ yếu: Tổng kết, đánh giá lại chiến lược nợ công đến năm 2020 tầm nhìn 2030 cũng như Luật Nợ công, cần thiết sẽ kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội sửa trong thời gian tới; Quản lý chặt chẽ nợ công, nhất là các khoản vay mới đồng thời, tiếp tục kiên quyết với nợ công, chỉ đầu tư cho đầu tư phát triển, xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế-xã hội quan trọng thiết yếu theo quy hoạch; Tăng cường khâu kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng vốn vay, bảo đảm hiệu quả đầu tư chất lượng công trình theo đúng quy định; Khẩn trương cơ cấu lại nợ công, tăng tỷ trọng vay dài hạn; tăng tỷ trọng vay trong nước và đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ quản lý và xử lý rủi ro đối với danh mục nợ công; tăng tính thanh khoản và thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ.
Quản lý chặt chẽ các khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ theo hướng siết chặt có bảo lãnh, không mở rộng diện và cho nợ có mục tiêu để ưu tiên. Tăng dần tỷ lệ cho vay lại và giảm dần tỷ lệ cấp pháp, tăng cường trách nhiệm của địa phương.
Về quản lý sử dụng vốn vay cũng như quản lý sử dụng các công trình trong tương lai, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thông tin, vừa qua, Bộ Tài chính đã xây dựng kế hoạch tài chính ngân sách trung hạn cho giai đoạn 2016-2020, từ đó có phân nguồn ra của kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Cùng với đó, Bộ đã xây dựng kế hoạch vay trả nợ đến năm 2020, kế hoạch về nợ trên cơ sở dự báo các chỉ tiêu kinh tế - xã hội tăng trưởng của giai đoạn này từ 6,5-7%, lạm phát không quá 5/%, bội chi ngân sách Nhà nước dưới 4,9% theo Luật hiện hành…
Xung quanh nội dung về cân đối thu chi ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Tài chính cho biết, trong giai đoạn 2011- 2015, tình hình tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu theo yêu cầu nên Nhà nước đã có sự điều chỉnh, nhưng các mục tiêu khác không điều chỉnh, đặc biệt là an sinh xã hội.
Do vậy, đến hết năm 2014, 2015, cơ cấu chi ngân sách thường xuyên quá cao, 67-68% so với dự toán chi ngân sách Nhà nước. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề cơ cấu chi cho đầu tư phát triển và chi trả nợ.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, cơ cấu thu đã đi được một bước, đã có chuyển biến tích cực. Trong đó, cơ cấu thu nội địa đạt 74% trong tổng thu ngân sách Nhà nước. Chính sách thu nội địa từ thuế, phí, bình quân của giai đoạn này khoảng 21%, Quốc hội quyết định là không quá 22 - 23%, xấp xỉ giai đoạn 2005. Chi thường xuyên lên đến 68% của năm 2015. Nhưng năm 2016, theo kế hoạch tính toán và thực tế trong dự toán 2016, chi thường xuyên đã giảm xuống trên 64%.
Theo tính toán, trong kế hoạch trung hạn về tài chính ngân sách đến năm 2020, chi thường xuyên xuống khoảng 58- 59%.
Theo Bộ trưởng, để cân đối thu, chi, thời gian tới, cần tập trung rà soát lại chính sách thu để cơ cấu lại thu; đồng thời, bảo đảm thúc đẩy sản xuất trong nước, bảo đảm yêu cầu hội nhập nhưng cũng phải bảo đảm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước và phù hợp với quốc tế. Tập trung cơ cấu lại các chính sách về chi, bảo đảm tiết kiệm và hướng tới giảm chi ngân sách thường xuyên xuống khoảng 58-59% và giữ bội chi./.