Chiều 6/11, tiếp tục chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội chất vấn liên quan đến các lĩnh vực Bộ quản lý.
Hơn 63.000 tấn rác thải ra mỗi ngày
Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) về giải pháp thay thế chôn lấp rác thải, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chia sẻ những bức xúc trong hoạt động xử lý chất thải rắn, chất thải sinh hoạt ở các thành phố lớn hiện nay.
Theo Bộ trưởng, ngày 3/2/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 09/NQ-CP của Chính phủ về thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn, trong đó giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm thống nhất quản lý chất thải rắn sinh hoạt.
[Bảo vệ môi trường phải là trung tâm của sự phát triển kinh tế-xã hội]
Từ đó đến nay, hiện trạng mỗi ngày trung bình có 35.000 tấn chất thải rắn đô thị và 28.400 tấn chất thải ở nông thôn; có 381 lò đốt, 37 lò sản xuất phân compost và gần 1.000 bãi chôn lấp.
Mặc dù thời gian qua, mức thu gom rác tăng, đạt 92% ở đô thị và 66% ở nông thôn, song Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận thực trạng chôn lấp rác tiếp tục gây ô nhiễm tài nguyên nguồn nước và lãng phí tài nguyên rác thải.
Bộ trưởng cho biết các giải pháp được nêu ra là khuyến khích người dân phân loại rác, tái chế, tái sử dụng rác. Trong Luật Bảo vệ môi trường đã quy định ngay từ khi xây dựng hạ tầng, các dự án phải tính đến các bãi rác, điểm trung chuyển rác.
Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo, huy động nhiều doanh nghiệp tham gia tái chế rác nhựa; xác định trách nhiệm của người gây ô nhiễm và có quy định trong luật; xác định người dân tham gia vào phân loại; Nhà nước hỗ trợ một phần vào công tác thu gom, xử lý rác thải bên cạnh đóng góp của người dân; xác định các quy chuẩn tiêu chuẩn kỹ thuật đối với công nghệ cũng như xác định việc xử lý rác là dịch vụ sẽ tiến hành rộng rãi.
Công khai dữ liệu định giá đất để giảm tranh chấp, khiếu kiện
Vấn đề khiếu nại, tố cáo, khiếu kiện đông người liên quan đến đất đai là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm tại phiên chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường.
Đại biểu Dương Xuân Hòa (Lạng Sơn) đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết việc thực hiện giải quyết dứt điểm, kịp thời các khiếu nại, tố cáo, tranh chấp, khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài liên quan đến đất đai.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, sau khi có Luật Đất đai năm 2013, đã không còn nhiều các vụ kiện cáo đông người phức tạp như trước. Các vụ kiện cáo dai dẳng chủ yếu là từ trước năm 2013, liên quan đến trình tự, thủ tục giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, tái định cư.
“Chúng tôi khẳng định Luật 2013 vẫn còn nhiều tồn tại, nhưng đến nay đã giảm 30-40%, các vụ tranh chấp chủ yếu là trước 2013,” Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, đồng thời cho hay các vụ việc hiện nay tập trung liên quan đến tranh chấp đất đai, nông, lâm trường do cơ sở dữ liệu, tài liệu lỏng lẻo, các công ty nông lâm ngư trường chưa được giám sát chặt chẽ.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang cùng với Chính phủ từng bước giải quyết thông qua xác lập lại cơ sở dữ liệu, xem xét thay đổi cơ cấu tổ chức các nông, lâm, ngư trường.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định nếu có cơ sở dữ liệu định giá đất đai được công khai thì sẽ giảm thiểu tranh chấp, kiện cáo phức tạp.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Ksor H’Bơ Khăp (Gia Lai) về quan điểm của Bộ trưởng có tiếp tục ủng hộ xây dựng thủy điện nhỏ và giải pháp hạn chế hậu quả thiên tai, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, hiện nay chúng ta không tận dụng được thủy điện một cách thân thiện môi trường như nhiều quốc gia văn minh khác.
Bộ trưởng cho rằng thủy điện không phải là nguyên nhân gây mất rừng, lũ lụt mà là do cách con người ứng xử với rừng, khai thác tài nguyên thiên nhiên quá mức, thói quen tiêu thụ đồ gỗ tự nhiên, khi "trong nhà dùng toàn đồ gỗ, sử dụng sản phẩm từ các động vật hoang dã.”
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh cá nhân ông coi rừng và việc bảo vệ rừng là rất quan trọng.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà thông tin thời gian tới, Bộ sẽ cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát từng mét đất rừng thiên nhiên, phòng hộ, đặc dụng, kể cả những nơi không còn rừng nhưng có ý nghĩa trong phòng hộ thì phải phục hồi rừng nguyên sinh theo đúng nghĩa của nó./.