Cho rằng sốt ảo giá đất, ô nhiễm môi trường tại các lưu vực sông và rác thải là những vấn đề “nóng,” tại hội nghị giao ban quý 1/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa diễn ra, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã yêu cầu lãnh đạo các đơn vị trực thuộc bộ phải hành động nhanh chóng để giải quyết các vấn đề bức xúc trong dư luận.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, việc thổi giá đất, các quy hoạch sử dụng đất đai bị phá vỡ; ô nhiễm môi trường kéo dài nhiều năm tại các lưu vực sông như sông Nhuệ-Đáy, sông Bắc Hưng Hải; hay vấn đề ô nhiễm rác thải, chất thải, đặc biệt là tại các đô thị lớn, đang là những vấn đề “nóng” khiến người dân, dư luận rất bức xúc.
“Do vậy, các cơ quan quản lý nhà nước của bộ phải đưa ra giải pháp, tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra để xử lý những tồn tại hiện nay, tạo ra được sự tin tưởng trong nhân dân; thực hiện nghiêm chỉ đạo thanh tra đến đâu kết luận đến đó, chỉ rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan,” ông Hà nhấn mạnh.
Dẫn ví dụ từ tình trạng “sốt” giá đất, cũng như các vụ đấu giá đất tai tiếng trong thời gian qua, người đứng đầu Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh với lãnh đạo Tổng cục Quản lý Đất đai “không thể im lặng mãi được” mà cần phải thẳng thắn đưa ra được các giải pháp căn cơ để “cò đất không còn cơ hội kiếm ăn.”
[Bộ TN-MT báo cáo về tình trạng ‘cò’ đấu giá đất, "quân xanh quân đỏ"]
Ông Hà cũng lưu ý cần có giải pháp căn cơ, quản lý đồng bộ và phải đưa vào luật. Không thể để tình trạng doanh nghiệp không có năng lực nhận một lúc khoảng hơn 1.500 hécta đất, rồi sau đó không sử dựng, để hoang hóa. Nếu nhiều doanh nghiệp cũng như thế thì nguồn lực đất đai sẽ không phát huy hiệu quả, rất láng phí...
Về lĩnh vực môi trường, đặt ra mục tiêu phải có lời giải trước tình trạng ô nhiễm kéo dài tại lưu vực sông Cầu, sông Nhuệ-Đáy, sông Bắc Hưng Hải, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chỉ đạo lãnh đạo Tổng cục Môi trường cần phải làm rõ những khu vực nào, các doanh nghiệp, nhà máy đang xả nước thải ra nhiều; phối hợp với Bộ Công an để kiểm tra, nếu phát hiện cần xử phạt vi phạm hành chính, tước giấy phép.
“Việc này cần phải bắt tay vào làm ngay, không thể đùa được,” ông Hà nói và nhấn mạnh vấn đề phân loại rác thải cũng vậy - hiện nay quy định của Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 đã đầy đủ. Vì vậy, Tổng cục Môi trường cần phải triển khai ngay trong quý 2/2022 này để làm sao đảo ngược tình thế, chuyển từ “nâu” sang “xanh.”
Cùng với đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng yêu cầu Thanh tra bộ đứng ra thanh tra, kiểm tra nội bộ, không để cán bộ do nhận thức, nhiều khi do những yếu tố khác, dẫn tới vi phạm. Theo đó, Thanh tra bộ cần giành 30% thời gian đi kiểm tra, 30% tháo gỡ khó khăn, 40% còn lại tập trung các nhiệm vụ chuyên môn khác...
Nhắc lại “bài học nhãn tiền” xảy ra trong thời gian qua như vụ việc đấu giá đất rồi bỏ cọc ở Thủ Thiêm hay việc đấu giá đất theo kiểu “quân xanh, quân đỏ” với mục đích để “rút ruột, rút tiền;” cho đến “bài học cay đắng” liên quan đến vi phạm trong hoạt động quản lý cấp phép khai thác than, khiến cán bộ Tổng cục Địa chất và Khoáng sản đến Thứ trưởng bị kỷ luật, Bộ trưởng Trần Hồng Hà gửi thông điệp rằng “theo pháp luật thì đúng, không theo pháp luật thì sai. Bộ trưởng cũng không bảo vệ được.”
Trên tinh thần đó, ông Hà yêu cầu các đơn vị không được làm sai, không để lại tai tiếng. “Bất kể ai nếu không vì mục tiêu chung, không vì nhiệm vụ chính trị, vì hiệu quả công việc mà gian dối, làm méo mó để hưởng lợi, sẽ phải chịu trách nhiệm. Không thể để ‘con sâu làm rầu nồi canh’ được,” ông Hà nhấn mạnh./.