Bộ trưởng Trần Văn Sơn: Kinh tế-xã hội tháng 10 đã khởi sắc hơn

Tại phiên họp báo Chính phủ tối 6/11, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết trong tháng 10, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 111,2% về số lượng và tăng 73,9% về vốn so với tháng 9.
Bộ trưởng Trần Văn Sơn: Kinh tế-xã hội tháng 10 đã khởi sắc hơn ảnh 1Phiên họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức tối 6/11. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Nhờ kiểm soát dịch bệnh, nền kinh tế từng bước mở cửa, hoạt động sản xuất, kinh doanh đang dần ổn định trong trạng thái bình thường mới, kinh tế - xã hội tháng 10 đã khởi sắc hơn so với tháng 9.

Đáng chú ý, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát ở mức thấp, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số CPI tháng 10 giảm 0,2% so tháng 9; 10 tháng tăng 1,81% so cùng kỳ, thấp nhất từ 2016. Thị trường tiền tệ, tỷ giá ổn định, lãi suất có xu hướng giảm.

Đây là thông tin được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đưa ra tại phiên họp báo Chính phủ tổ chức tối 6/11.

Thông tin thêm, theo Bộ trưởng, trong tháng 10, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 111,2% về số lượng và tăng 73,9% về vốn so với tháng 9; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 29,8%. Đáng chú ý, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 10 tháng tăng 22%, trong đó xuất khẩu tăng 16,6%; nhập siêu giảm mạnh so với 9 tháng.

[CPI tháng Mười giảm 0,2% do nhu cầu tiêu dùng đi xuống]

Dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song theo Bộ trưởng, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại. Mặt khác, kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro và sức ép lạm pháp do nhiều mặt hàng tăng mạnh trên thi trường quốc tế và chỉ số lạm pháp ở nhiều nước tăng mạnh.

Cùng với đó, hoạt động sản xuất kinh doanh còn khó khăn; giải ngân vốn đầu tư công thấp; một số chuỗi sản xuất, lao động chưa phục hồi; đời sống một bộ phận nhân dân gặp khó khăn, nhất là ở những địa bàn có dịch bùng phát...

Vì vậy, để đạt được mục tiêu đề ra, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương phối hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ, gắn với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; giám sát chặt chẽ nợ xấu; tập trung thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy đầu tư công; khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Chương trình phục hồi kinh tế.

Các cấp phải thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, duy trì chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng; khai thông, phát triển mạnh thị trường trong nước; bảo đảm cung cầu hàng hóa, chuẩn bị nguồn hàng dự trữ, không để thiếu hàng hóa.

“Thủ tướng yêu cầu các cơ quan tiếp tục rà soát các vướng mắc về thể chế, pháp luật để kịp thời tháo gỡ; thực hiện hiệu quả việc cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh,” Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho hay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.