Ở phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện tại Quốc hội chiều 5/6, nhiều đại biểu quan tâm đến các vấn đề tồn tại và giải pháp của ngành trong việc đưa du lịch trở thành mũi nhọn, góp phần phát triển kinh tế đất nước.
Chỉ số năng lực cạnh tranh ngành du lịch thấp
Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (đoàn Hà Nội) nêu lên tiềm năng phát triển du lịch Việt Nam song năng lực cạnh tranh lại có vị trí xếp hạng thấp trong khu vực và trên thế giới.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2017, Việt Nam đứng 67/136 nền kinh tế, trong đó có những điểm rất mạnh về tài nguyên, thiên nhiên, văn hóa,... Nguyên nhân dẫn đến vị trí xếp hạng chung thấp là do hạng mục hạ tầng du lịch, mức độ mở cửa quốc tế thấp hơn so với các nước trong khu vực.
Ông Thiện cũng cho hay, sau 3 năm tăng trưởng nhanh, sang đến những tháng đầu năm nay, tốc độ tăng của ngành du lịch đã chậm song vẫn nằm trong dự báo. Về cơ bản, ngành vẫn hoàn thành được được kế hoạch của Bộ chính trị đề ra trong việc đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
[Tuyên truyền hình ảnh, trách nhiệm của Việt Nam ở diễn đàn quốc tế]
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Quyền, ngành du lịch đóng góp chưa được 10 % GDP. Ông cũng đặt ra câu hỏi về giải pháp để du lịch thực sự trở thành mũi nhọn của ngành kinh tế.
Về vấn đề này, ông Thiện thừa nhận ngành du lịch mới đóng góp 9% GDP. Đến năm 2020, kế hoạch của ngành sẽ đón 17-20 triệu lượt khách quốc tế và nội địa, đóng góp khoảng 10% GDP và cơ bản trở thành mũi nhọn.
“Thực sự mũi nhọn phải đợi đến năm 2035,” ông nói.
Thận trong trong cấp giấy phép lữ hành quốc tế
Đại biểu Châu Quỳnh Giao, (đoàn Kiên Giang) nhắc tới câu chuyện 152 du khách Việt Nam mất tích bí ẩn tại Đài Loan và đây sự kiện chưa có trong tiền lệ. Sự việc này để lại những ảnh hưởng nặng nề và làm “xấu” đi hình ảnh của Việt Nam, trách nhiệm thuộc về ai và hướng xử lý sắp tới?
Khẳng định sự việc trên là một “vết nhơ” của ngành du lịch và cần phải lên án, xử lý, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhận trách nhiệm: “Để xảy ra vụ việc này, trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước và các địa phương khi công tác thanh tra, kiểm tra còn chưa tốt.”
Theo Bộ trưởng, vi phạm của các doanh nghiệp trong vụ việc trên là rất rõ. Bộ sẽ tăng cường quản lý các công ty lữ hành đồng thời sẽ thận trọng hơn trong việc xét duyệt cấp giấy phép lữ hành quốc tế cho các công ty. ông Thiện cũng khuyến cáo các du khách nên chọn những công ty lữ hành có năng lực khi đi du lịch.
Làm rõ khái niệm - du lịch tâm linh
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (đoàn An Giang) cho hay, trong Báo cáo số 126 ngày 3/6 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch không thừa nhận khái niệm du lịch tâm linh và yêu cầu Bộ trưởng cho biết quan điểm về việc thương mại hóa trong việc xây dựng một số công trình tâm linh. Có hay không một số quan chức đóng cổ phần xây dựng chùa để kiếm lời sau khi công trình đi vào hoạt động?
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, việc một số nơi lợi dụng tín ngưỡng, tâm linh để thu lời, trục lợi gây mê tín dị đoan là hành vi vi phạm pháp luật cần phải lên án và xử lý theo quy định.
Ông Thiện cũng cho biết không có thông tin liên quan đến sự đóng góp của quan chức xây dựng các công trình du lịch tâm linh như Đại biểu quốc hội đề cập.
"Nếu Đại biểu có thông tin nên cung cấp cụ thể để có thể xử lý theo quy định của pháp luật," Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về điều này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc nhở đại biểu khi chất vấn phải chịu trách nhiệm về câu hỏi của mình, do đó đề nghị các đại biểu nếu có thông tin chính xác thì cung cấp cho Quốc hội giám sát, các cơ quan quản lý Nhà nước kiểm tra xem có việc này hay không và xử lý đúng quy định./.