Bộ trưởng Văn hóa nói gì về việc phát triển du lịch đêm tại các địa phương?

Về phát triển các sản phẩm du lịch đêm, Bộ Trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có đề án, khung và gợi ý cách làm, việc còn lại "Bộ không làm thay địa phương được."
Các chương trình nghệ thuật đêm ở Huế thu hút đông đảo người dân và du khách. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Trong buổi trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, diễn ra sáng nay (21/8), tại Hà Nội, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết đơn vị này đã có đề án về sản phẩm du lịch đêm, có khung và gợi ý cách triển khai, việc còn lại là các địa phương cần có cách làm sáng tạo, nghiên cứu sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc, mang tính cạnh tranh cao để giữ chân du khách.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng nêu những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thống kê du lịch, nhằm đánh giá, hoạch định chính sách và thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững.

Sẽ ứng dụng tài khoản vệ tinh du lịch vào công tác thống kê

Ngày 15/01/2024, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 06/CĐ-TTg về việc nâng cao hiệu quả công tác thống kê du lịch. Trong đó, bao gồm nhiệm vụ đẩy mạnh hợp tác với Tổ chức Du lịch thế giới, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác thống kê du lịch ở trung ương và địa phương.

Trước đó, từ năm 2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã chủ động nghiên cứu, xây dựng phương pháp luận về xây dựng hệ thống thống kê du lịch ở Việt Nam theo mô hình Tài khoản vệ tinh du lịch.

Tuy nhiên, để bổ sung, hoàn thiện công tác thống kê du lịch cũng như xác định rõ vị trí của ngành du lịch trong tổng thể phát triển của nền kinh tế quốc dân, của các địa phương đặt ra tại Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW năm 2017 của Bộ Chính trị cần những giải pháp thực sự đột phá mới có thể đẩy mạnh nhiệm vụ này.

Bộ Trưởng Nguyễn Văn Hùng trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, diễn ra hồi tháng 6 vừa qua. (Ảnh: TTXVN)

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho hay lãnh đạo Đảng, Nhà nước rất quan tâm lĩnh vực thống kê. Bởi đây là công cụ quản lý vĩ mô quan trọng, giúp nắm thông tin nhằm đánh giá, định hướng, từ đó hoạch định chính sách. Trong lĩnh vực du lịch, Bộ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 06/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao hiệu quả công tác thống kê du lịch để đánh giá, hoạch định chính sách và thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững trong thời gian tới.

Bộ Trưởng nhận định, từ khi có Công điện đến nay, công tác thống kê du lịch đã bước đầu đi vào nề nếp, các số liệu thống kê đã chính xác hơn. Nhằm phục vụ công tác hoạch định chính sách, cũng như công tác quản lý nhà nước ở lĩnh vực này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai trên 6 nhóm lĩnh vực: về lượng khách quốc tế, lượng khách nội địa, chi tiêu của khách quốc tế, chi tiêu của khách nội địa, doanh thu dịch vụ ăn uống và doanh thu của lữ hành.

Theo đó, các số liệu này đều được thể hiện đầy đủ trong báo cáo định kỳ hàng tháng của Tổng cục Thống kê cung cấp cho các cơ quan. Song, Bộ Trưởng thừa nhận trong quá trình thực hiện vẫn còn một số khó khăn, như ngoài số cán bộ chuyên trách làm công tác này được quy định trong luật, hiện các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Du lịch không có cán bộ chuyên trách công tác thống kê.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc “kinh phí bố trí cho công tác điều tra, chọn mẫu, nghiên cứu, phân tích chưa được quan tâm đúng mức. Công nghệ thông tin, hạ tầng phần mềm kết nối để đảm bảo tính liên thông và chia sẻ dữ liệu còn nhiều khó khăn…”

Do đó, giải pháp trước hết mà Bộ sẽ tiếp tục tập trung thời gian tới là thực hiện có hiệu quả Công điện số 06 của Thủ tướng Chính phủ; lựa chọn các nhóm giải pháp mà tổ chức du lịch quốc tế đang khuyến cáo cho tất cả các quốc gia là nên ứng dụng tài khoản vệ tinh du lịch để đưa vào thống kê.

(Ảnh: CTV/Vietnam+)

Thứ hai, tiếp tục phối hợp với Bộ Công an sử dụng dữ liệu trong Đề án 06 về Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, từ đó có cơ sở dữ liệu về du lịch để hoạch định chính xác hơn.

Thứ ba là phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống kê thêm nhu cầu của du khách về hàng hóa nông sản, mua sắm… để tính toán thêm lượng chỉ tiêu khách du lịch.

“Bộ không làm thay địa phương”

Một trong những vấn đề Bộ trưởng được chất vấn trong phiên họp sáng nay là việc phát triển mô hình du lịch đêm – một mô hình mới đang rất được quan tâm thời gian gần đây. Nhiều địa phương chuyển hướng tập trung vào phát triển sản phẩm du lịch này đều bước đầu cho thấy những tín hiệu tích cực.

Tuy nhiên thực tế, các chuyên gia đánh giá sản phẩm du lịch đêm ở ta vẫn còn nghèo nàn, đơn điệu, vẫn chủ yếu vận hành theo hình thức truyền thống là phố đi bộ, phố ẩm thực; các hoạt động nghệ thuật và giải trí thì không đều đặn, chủ yếu diễn ra vào 2 ngày cuối tuần.

Vậy làm thế nào để du lịch đêm phát triển mạnh mẽ với sản phẩm đa dạng, phong phú, giải trí lành mạnh và níu chân du khách lưu trú qua đêm để kích cầu cho ngành công nghiệp không khói Việt Nam?

Một trong những chương trình nghệ thuật tổ chức vào buổi đêm ở Hà Nội. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Đề án về sản phẩm du lịch đêm, khuyến khích các địa phương nghiên cứu dựa trên các yếu tố quy hoạch để tính toán, xây dựng các dòng sản phẩm và đánh giá thị trường để làm sao có các sản phẩm phục vụ đúng, trúng nhu cầu khách hàng.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh lại điều mà ông từng nêu trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, diễn ra hồi tháng 6 vừa qua rằng: “Như tôi đã nói, có nhiều địa phương không làm thì thiếu, mà làm thì thừa, thậm chí làm nhưng du khách không đến.”

Trong câu chuyện này, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, trách nhiệm chính thuộc về Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân các tỉnh chứ không phải của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ông lấy ví dụ về việc đơn vị này gợi ý Thành phố Hồ Chí Minh dựa trên tài nguyên sông nước và dòng sản phẩm chủ lưu là kết hợp sông Sài Gòn kết nối thương cảng để tạo ra dòng sản phẩm. Trên cơ sở đó, Thành phố đã nghiên cứu và xây dựng tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ kết nối các sản phẩm trên dòng sông, tạo ra không gian cho du khách đến.

Bộ Trưởng đánh giá Thành phố Hồ Chí Minh đã có cách làm sáng tạo dựa trên tinh thần chỉ đạo chung của Chỉ thị 08 của Chính phủ và Nghị quyết 82 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, là mỗi địa phương có một sản phẩm du lịch độc đáo, chuyên nghiệp, đặc sắc, mang tính cạnh tranh cao.

“Về làm du lịch đêm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có đề án, có khung và gợi ý cách làm rồi, còn Bộ không làm thay địa phương được,” Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục