Thống kê của ngành du lịch Việt: Nhiều “lỗ hổng” bất cập cần lấp đầy

Mặc dù số liệu thống kê du lịch ở Việt Nam vẫn được tổng hợp công bố, song nhiều chuyên gia cho rằng các chỉ số đo lường này chưa phản ánh đúng "bức tranh" hoạt động của toàn ngành.

Du khách tìm hiểu về chùa Hương Tích gốc ở Hà Tĩnh. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Du khách tìm hiểu về chùa Hương Tích gốc ở Hà Tĩnh. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Du lịch Việt Nam hiện đang triển khai áp dụng 16 chỉ tiêu trong thống kê ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch và 3 Thông tư của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tuy nhiên, những người làm nghề cho rằng các chỉ số đo lường này thực tế còn nhiều “lỗ hổng” và chưa phản ánh toàn diện “bức tranh” thống kê toàn ngành.

Để giải quyết những bất cập vẫn tồn tại bấy lâu này, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ra công điện nhằm chấn chỉnh và đưa hoạt động thống kê du lịch vào “quỹ đạo.”

Bất cập từ những “lỗ hổng”

Thống kê du lịch ở Việt Nam nhiều năm qua vẫn được nhiều người trong ngành đánh giá chưa sát thực tế. Thậm chí có những số liệu còn mang “đậm màu sắc thành tích” vô lý như nhận định của đại diện một doanh nghiệp lữ hành ở Hà Nội. Theo vị này, mỗi khách quốc tế khi đến Việt Nam đều được tính số lượt cho các địa phương mà họ đặt chân đến là không đúng. Bởi con số chính xác phải là thống kê từ khâu nhập cảnh theo mục đích du lịch.

Còn nhớ sau dịp Tết Nguyên đán 2023, một trong những địa phương được khách ngoại ưa chuộng nhất là tỉnh Quảng Ninh đã phải chỉ đạo tính toán lại số lượt khách đến đây sau khi Sở Du lịch công bố 1,6 triệu lượt khách dịp Tết (tăng hơn 15 lần so với cùng kỳ năm trước), trong khi thực tế hàng loạt tàu du lịch, nhà hàng, cơ sở lưu trú vẫn lâm cảnh hoạt động cầm chừng, vắng khách.

Ở phía Nam, dù năm ngoái Phú Quốc liên tục ghi nhận những đợt suy giảm lượng khách, kinh doanh du lịch ế ẩm, khách sạn vắng vẻ, nhưng trong báo cáo thống kê cuối năm, địa phương vẫn công bố đón 5,4 triệu lượt khách (tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2022)... Điều này này khiến những người làm nghề và những ai quan tâm tới ngành du lịch Việt phải đặt câu hỏi về công tác thống kê số lượt khách đến mỗi địa phương.

ảnh_Phú Quốc.jpg
Một góc điểm đến Phú Quốc nhìn từ trên cao. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Tổng giám đốc Công ty Vietluxtour Trần Thế Dũng cho rằng cơ quan thống kê đang gom tất cả lượng khách từ nước ngoài đến Việt Nam và cho rằng đó là khách du lịch. Thực tế, trong số 12 triệu lượt khách của năm 2023 đó cần làm rõ có bao nhiêu người đến với mục đích du lịch, bao nhiêu người về thăm thân, bao nhiêu khách ngoại giao, khách công vụ… Việc không phân loại được lượng khách khiến số liệu không phản ánh đúng thực tế.

Đồng tình với quan điểm trên, Tổng Giám đốc một doanh nghiệp lữ hành lớn ở Hà Nội cho rằng chính việc chưa thống kê được lượng khách di chuyển từ địa phương này đến địa phương khác khiến công tác kiểm kê thiếu hiệu quả, dẫn đến chưa đánh giá đúng thực lực của hoạt động du lịch nước nhà.

Bên cạnh đó, công bố báo cáo thống kê của các địa phương cũng chưa phân định cụ thể đối tượng thăm quan trong ngày, khách lưu trú qua đêm, hay thời gian lưu trú bao lâu... Trong khi chi phí dành cho lưu trú được lãnh đạo ngành du lịch nhận định chiếm tới 70% chi tiêu của mỗi khách quốc tế đến Việt Nam.

“Quan trọng nhất là thống kê được khách đến từng điểm thăm quan, lưu lại điểm đến và sử dụng dịch vụ thiết yếu như lưu trú, ăn uống… Cần có số liệu công bố chi tiết hơn bởi số liệu đó mới góp phần tác động đến chiến lược phát triển của doanh nghiệp,” ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam nói.

Du lịch Việt đang áp dụng chỉ tiêu thống kê nào?

Với những “lỗ hổng” được các chuyên gia trong ngành chỉ ra ở trên, vậy thực tế ngành Du lịch đang triển khai áp dụng hệ thống chỉ tiêu thống kê nào?

Theo dữ liệu từ Trung tâm Thông tin Du lịch, thống kê của du lịch Việt đang được áp dụng chỉ tiêu của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo Quyết định 5139/QĐ-BVHTTDL ngày 28/12/2012 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong đó có 16 chỉ tiêu thuộc lĩnh vực du lịch.

z4770704699162_5a4d28bbecd93527059331253263edf5.jpg
Du khách quốc tế trải nghiệm vẻ đẹp thiên nhiên Hà Giang. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Bên cạnh đó, có 3 Thông tư của Bộ ban hành ngày 31/12/2014, gồm: Thông tư 25/2014/TT-BVHTTDL quy định Chế độ báo cáo thống kê tổng hợp áp dụng đối với các đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL (trong đó có 16 biểu mẫu thống kê thuộc lĩnh vực du lịch); Thông tư 26/2014/TT-BVHTTDL Quy định Chế độ báo cáo thống kê cơ sở áp dụng đối với các cơ sở, doanh nghiệp do ngành Du lịch quản lý, cấp phép; Thông tư 27/2014/TT-BVHTTDL quy định Chế độ báo cáo thống kê tổng hợp áp dụng đối với cơ quan quản lý du lịch thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Để có hệ thống thông tin thống kê tương đối hoàn chỉnh, phải kết hợp từ nhiều cách thức khác nhau, bao gồm: điều tra thống kê; sử dụng dữ liệu hành chính cho hoạt động thống kê nhà nước; báo cáo thống kê.

Tuy nhiên, trong thực tế triển khai, số liệu từ Cục Du lịch Quốc gia cho thấy các chỉ tiêu thống kê còn nhiều thiếu sót. Đơn cử như ở chỉ tiêu khách quốc tế đến Việt Nam: phân theo phương tiện mới cập nhật số liệu từ 2008 đến nay; phân theo thị trường có từ 2008 đến nay; phân theo nhóm khách mới có dữ liệu khách có nghỉ qua đêm tại cơ sở lưu trú, khách tham quan trong ngày thống kê từ 2014-2017; phân theo đối tượng khách có từ 2008 đến nay.

Ở thống kê hướng dẫn viên, mới có số liệu xếp loại cấp thẻ từ năm 2010-2019; phân theo tỉnh, thành phố được cập nhật từ năm 2010-2018; phân theo thủ tục của hướng dẫn viên từ năm 2019-2020; phân theo ngoại ngữ mới chỉ thống kê hướng dẫn viên tiếng Anh trong 2 năm 2020-2021.

Trong thống kê khách du lịch nội địa: Phân theo nhóm khách (không có dữ liệu); Phân theo hình thức chuyến đi (tự sắp xếp và đi theo tour mới có thống kê trong 3 năm từ 2014-2016); Phân theo đối tượng khách (chỉ có số liệu năm 20216); Tổng thu chỉ có năm 2020.

ảnh_Hội An.jpg
Hội An là điểm đến ưa thích của du khách quốc tế khi dừng chân ở Việt Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Có thể thấy công tác thu thập, tổng hợp đảm bảo các hệ thống chỉ tiêu đặt ra vẫn chưa đầy đủ xét về cả phương diện thời gian, số lượng chỉ tiêu thống kê và số lượng các đơn vị gửi biểu tổng hợp báo cáo.

Lãnh đạo ngành du lịch thừa nhận cho đến nay, nhiều chỉ tiêu thống kê chưa được thu thập thành hệ thống. Một số chỉ tiêu quan trọng muốn có được phải thông qua cuộc điều tra kết hợp với phương pháp tính như số lượt khách du lịch trên địa bàn và tổng thu từ khách du lịch trên địa bàn.

Song thực tế, đến nay nhiều địa phương mới chỉ có số báo cáo về doanh thu của các cơ sở kinh doanh du lịch hay số lượt khách do các cơ sở dịch vụ phục vụ trong kỳ báo cáo; nhiều tỉnh chưa tổ chức các cuộc điều tra thông tin từ khách nên chưa đủ cơ sở để tính được số lượt khách du lịch đến địa bàn, tổng thu từ khách du lịch trên địa bàn cũng như chưa tính được đóng góp của du lịch trong kinh tế của địa phương.

"Nắn" hoạt động thống kê du lịch

Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có Công điện 06 gửi Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác thống kê du lịch nhằm đánh giá, hoạch định chính sách, thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững trong thời gian tới.

Trong công điện, Thủ tướng đánh giá thời gian qua tuy du lịch Việt đã đạt được một số kết quả tích cực, từng bước phục hồi sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, nhất là trong công tác hoạch định chính sách và chiến lược dài hạn.

Thủ tướng cũng chỉ ra một trong những nguyên nhân của hạn chế này là do công tác điều tra, thống kê du lịch còn bất cập, chưa có nguồn dữ liệu đầy đủ, chính xác, đồng bộ để xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách phù hợp, hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh du lịch của doanh nghiệp, người dân kịp thời, hiệu quả.

DJI_0216.jpg
Thiên nhiên Việt Nam hài hòa với văn hóa bản địa. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Cần triển khai nhanh chóng nền tảng số “Quản trị và kinh doanh du lịch” theo Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ với mục tiêu hoàn thành trong quý II năm 2024 là nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông. Bởi nền tảng số này chính là “chìa khóa” giúp khắc phục những hạn chế và cải thiện hiệu suất của các chỉ tiêu thống kê du lịch hiện nay.

Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ đẩy mạnh hợp tác với Bộ Công an để triển khai kết nối và tích hợp cơ sở dữ liệu về du lịch với dữ liệu quốc gia về dân cư; thúc đẩy việc sử dụng ứng dụng trên VNeID để quản lý du khách một cách thuận lợi, đồng bộ và chính xác.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan rà soát, thống nhất hoàn thiện ngay các chỉ tiêu, phương pháp thống kê du lịch bảo đảm đầy đủ, khoa học, kịp thời, chính xác và phù hợp với thông lệ quốc tế, hoàn thành trong tháng 6/2024; đẩy nhanh việc áp dụng phương pháp thống kê Tài khoản vệ tinh du lịch theo khuyến nghị của Tổ chức Du lịch Thế giới trong năm 2024.

Trong công điện của Thủ tướng, Bộ Tài chính được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các địa phương để tăng cường công tác quản lý và sử dụng hóa đơn điện tử trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, đặc biệt là các dịch vụ ăn uống. Điều này sẽ đảm bảo thống kê và tính toán chính xác thu nhập từ hoạt động du lịch.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc cần gia tăng hợp tác với Tổ chức Du lịch Thế giới và cơ quan thống kê của Liên hợp quốc, để nâng cao kỹ năng và phương pháp thống kê du lịch cho đội ngũ cán bộ quản lý và thực hiện nhiệm vụ thống kê du lịch ở cấp Trung ương và địa phương./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục