Bộ Tư pháp tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng nợ đọng văn bản

Năm 2017, Chánh Văn phòng - Người phát ngôn Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển cho biết ngành tư pháp đã xác định 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trong đó giải quyết dứt điểm tình trạng nợ đọng văn bản
Bộ Tư pháp tổ chức Họp báo quý ​4 năm 2016. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chiều 23/1, tại cuộc họp báo về tình hình hoạt động của bộ, ngành tư pháp, trả lời câu hỏi của phóng viên về những nhiệm vụ trọng tâm sẽ triển khai trong năm 2017, Chánh Văn phòng - Người phát ngôn Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển cho biết ngành tư pháp đã xác định 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Ngành tập trung củng cố, kiện toàn bổ chức bộ máy, cán bộ các cơ quan tư pháp, pháp chế từ Trung ương đến địa phương; hoàn thành quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cơ quan tư pháp, pháp chế giai đoạn 2017-2021 và các giai đoạn tiếp theo. Toàn ngành triển khai hiệu quả Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, nhất là những quy định mới mang tính đột phá; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các dự án luật do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo, đảm bảo tiến độ, chất lượng; thực hiện tốt công tác thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; giải quyết dứt điểm tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

Ngành tư pháp xây dựng và triển khai hiệu quả Đề án đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2020; chú trọng phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp đến hoạt động của người dân, doanh nghiệp và tư vấn, hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp, những vấn đề dư luận xã hội quan tâm. Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc trong triển khai Luật công chứng năm 2014. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện tốt Đề án thành lập Hiệp hội công chứng Việt Nam sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; thực hiện các giải pháp nhằm phát triển bền vững các nghề bổ trợ tư pháp.

Năm nay, Bộ Tư pháp triển khai có hiệu quả Chương trình hành động quốc gia về đăng ký, thống kê hộ tịch sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; triển khai hiệu quả các giải pháp để giải quyết tốt vấn đề hộ tịch, quốc tịch cho trẻ em là con của công dân Việt Nam với người nước ngoài đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam, người di cư tự do từ các nước có chung đường biên giới về nước.

Trong công tác thi hành án dân sự, ngành tập trung hoàn thành các chỉ tiêu thi hành án được giao (trên 70% về việc; 30% về tiền; giảm án chuyển kỳ sau ít nhất 8% số việc và 6% số tiền có điều kiện thi hành); đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành gắn với việc củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy trong hệ thống thi hành án dân sự; siết chặt kỷ cương, kỷ luật, khắc phục tình trạng cán bộ, công chức thi hành án dân sự vi phạm pháp luật. Triển khai trên toàn quốc cơ chế “một cửa” và cung cấp dịch vụ công mức độ 3 đối với việc thụ lý đơn, giải quyết yêu cầu thi hành án.

Bộ Tư pháp thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã xác định trong Đề án xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật và Đề án xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng đào tạo; xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo nghề nghiệp, chương trình đào tạo đại học, sau đại học theo định hướng và gắn với nhu cầu xã hội; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo, từng bước tiếp nhận công nghệ giáo dục hiện đại trong việc đào tạo luật; tham mưu cho Chính phủ kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh trong hội nhập quốc tế, đàm phán, ký kết, thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận, cam kết quốc tế và giải quyết các tranh chấp quốc tế....

Tại cuộc họp báo, lãnh đạo các đơn vị của Bộ Tư pháp đã trao đổi, trả lời những câu hỏi mà báo chí quan tâm liên quan đến tiến độ xây dựng pháp luật; công tác thi hành án, việc bồi thường án oan sai…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục