Ngày 22/6, Đại sứ quán Việt Nam tại Italy phối hợp với Ban tổ chức Liên hoan phim châu Á lần thứ 18 tổ chức “Ngày Việt Nam.”
Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Liên hoan phim châu Á (Asian Festival Film) diễn ra từ ngày 17-23/6 tại rạp Farnese, thủ đô Rome.
Tham dự sự kiện có Đại sứ Việt Nam tại Italy Nguyễn Thị Bích Huệ, đại diện Bộ Ngoại giao và hợp tác quốc tế Italy, Đại sứ các nước Thái Lan, Myanmar, Philippines và đông đảo khán giả cũng như bà con người Việt tại Italy.
Theo phóng viên TTXVN tại Rome, phát biểu tại lễ khai mạc, Đại sứ Nguyễn Thị Bích Huệ nhấn mạnh các hoạt động trao đổi, giao lưu điện ảnh cũng là lĩnh vực quan trọng góp phần mở rộng, làm sâu sắc quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Italy.
[TP.HCM: Nhà làm phim nỗ lực vượt khó trong mùa dịch COVID-19]
Mặc dù còn non trẻ nhưng nền điện ảnh Việt Nam gần đây đã có bước chuyển biến mới mẻ, phản ánh rõ nét sự phát triển, hội nhập quốc tế của đất nước.
Trong khuôn khổ “Ngày Việt Nam,” 4 bộ phim “Bắc kim thang” (tựa đề tiếng Anh: Home sweet home), “Tiệc trăng máu” (Blood moon party), “Ròm” (Rom) và “Bố già” (Dad, I’m sorry) đã được Ban tổ chức lựa chọn để lần lượt trình chiếu cho khán giả tại Italy.
Đây là những bộ phim từng nổi lên như những “hiện tượng” trên màn ảnh rộng trong nước từ năm 2020.
Sau khi thưởng thức trọn cả “Bắc kim thang” và “Tiệc trăng máu,” bà Tiziana Malagò, một khán giả đến từ miền Bắc Italy cho biết lý do ban đầu bà đến với Liên hoan phim chỉ bởi sự hiếu kỳ về văn hóa Việt Nam nhưng nội dung và chất lượng nghệ thuật trong các bộ phim này đã khiến bà rất tâm đắc.
Bàn luận sôi nổi ngay trước rạp Farnese, một nhóm Việt kiều đến từ các vùng của đất nước hình chiếc ủng đã nhất quyết sẽ nán lại đây xem hết phim “Bố già” của danh hài Trấn Thành.
Trong đó, chị Hạnh Trần từ thành phố Napoli (miền Nam Italy) cho biết đã phải xuất phát từ sáng sớm để có thể cùng nhóm bạn thân từ các thành phố Firenze, Rome tới rạp trước giờ khởi chiếu.
Liên hoan phim châu Á tại Italy là sự kiện do Quỹ điện ảnh Robert Bresson tổ chức, chuyên tuyển chọn những tác phẩm điện ảnh hay nhất Đông Á về nghệ thuật và thể loại, đặc biệt chú ý đến những đạo diễn mới và trẻ tuổi.
Theo ông Antonio Terminini, Giám đốc Liên hoan phim châu Á, chủ đề các phim năm nay xoay quanh vấn đề lạm dụng, bắt nạt trẻ vị thành niên, các mối quan hệ gia đình phức tạp, hậu quả từ các vấn đề kinh tế và sự phát triển bền vững, biến đổi khí hậu tại nhiều khu vực Đông Á, trong đó có sông Mekong.
Tham gia liên hoan phim năm nay có 28 phim truyện và 2 phim ngắn của 11 quốc gia Đông Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Singapore, Lào, Myanmar).
Các phim này được trình chiếu kết hợp tại Liên hoan trong 6 ngày. Bên cạnh “Ngày Việt Nam,” Liên hoan phim châu Á tại Italy năm nay còn có “Ngày Hàn Quốc” (19/6)./.