Chiều 27/7, các cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng họp thẩm định thiết kế kỹ thuật giai đoạn 2 dự án tuyến dẫn nước sông Đà do Công ty Cổ phần nước sạch Vinaconex (Viwasupco) làm chủ đầu tư.
Đây là một bước quan trọng trong quá trình triển khai đầu tư dự án này nhằm khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho các hộ dân ở Hà Nội.
Trong cuộc họp, các cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng và đại diện Sở Xây dựng thành phố Hà Nội nghe chủ đầu tư, tư vấn thiết kế báo cáo về thiết kế kỹ thuật. Đại diện chủ đầu tư cho biết, sau khi thiết kế được phê duyệt sẽ tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà thầu. Dự kiến công trình được khởi công trong quý 4 năm 2015 và đưa vào sử dụng cuối quý 2/2016.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng đặc biệt lưu ý chủ đầu tư và các bên liên quan về một số vấn đề như: Lựa chọn chủng loại ống, chất lượng thi công xây dựng công trình, công tác thẩm định thiết kế, kiểm tra trong quá trình thi công, nghiệm thu, đặc biệt trong bối cảnh tuyến ống số 1 đã có khiếm khuyết về kỹ thuật.
Tại giai đoạn 2, chủ đầu tư đã lựa chọn, sử dụng vật liệu đường ống dẫn nước bằng chất liệu gang dẻo. Tổng vốn đầu tư dự án nước sông Đà giai đoạn 2 dự kiến khoảng 4.922 tỷ đồng, trong đó phân kỳ 1 của giai đoạn này là xây dựng tuyến ống dài 21km với mức vốn đầu tư 1.168 tỷ đồng (sử dụng vốn tự có của doanh nghiệp và vay tín dụng thương mại). Sau khi hoàn thành đầu tư giai đoạn 2, sẽ nâng công suất toàn bộ hệ thống đường ống nước Sông Đà lên 600.000m3/ngày đêm, khai thác hết công suất còn lại nhà máy giai đoạn 1, giảm tải và hỗ trợ tuyến ống số 1 khi có sự cố, đáp ứng nhu cầu bức xúc về nước sạch của người dân Hà Nội hiện nay.
Tuyến dẫn nước sông Đà giai đoạn 1 đã nhiều lần xảy ra sự cố khiến khoảng 70.000 hộ dân phía Tây Thủ đô bị ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt. Tuyến dẫn nước từ Nhà máy nước Sông Đà về Thủ đô là độc đạo nên khi xảy ra sự cố đã gây tê liệt toàn hệ thống, nhất là khi nhà máy này chiếm tới 30% sản lượng nguồn nước cung cấp cho toàn thành phố. Do đó, việc đầu tư giai đoạn 2 với tuyến ống mới song song là rất cần thiết.
Hiện đầu tư các dự án cấp nước đòi hỏi một nguồn kinh phí rất lớn và trong điều kiện hiện nay, việc xã hội hóa nguồn vốn cho các dự án cấp thoát nước được xem như một lựa chọn tối ưu. Bởi vậy, dự án nước Sông Đà lựa chọn nhà đầu tư theo hướng huy động nguồn vốn xã hội hóa, thực hiện theo hình thức BOO (xây dựng-sở hữu-kinh doanh), sử dụng nguồn vốn tự có của doanh nghiệp và vốn vay thương mại./.