BoE cảnh báo "Brexit" có thể dẫn tới suy thoái kinh tế

BoE cảnh báo cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 23/6 tới là nguy cơ lớn nhất trước mắt đối với triển vọng kinh tế Vương quốc Anh.
BoE cảnh báo "Brexit" có thể dẫn tới suy thoái kinh tế ảnh 1 Cử tri Anh hiện vẫn đang băn khoăn giữa việc nên ủng hộ Thủ tướng David Cameron (phải) hay Thị trưởng London Boris Johnson trong chiến dịch vận động trước khi diễn ra cuộc trưng cầu ý dân ngày 23/6 tới. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong báo cáo hàng quý về lạm phát vừa công bố ngày 12/5, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cảnh báo cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 23/6 tới là nguy cơ lớn nhất trước mắt đối với triển vọng kinh tế Vương quốc Anh.

Việc người dân nước này bỏ phiếu rời EU, hay còn gọi là "Brexit," có thể khiến kinh tế Anh rơi vào suy thoái về mặt kỹ thuật.

Theo BoE, “Brexit” có thể dẫn tới tình trạng cắt giảm việc làm, đẩy lạm phát gia tăng, đồng bảng Anh rớt giá mạnh.

BoE thừa nhận sẽ gặp khó khăn trong việc cân bằng các quyết định giữ nguyên, cắt giảm hay tăng lãi suất, nếu "Brexit" xảy ra.

Dựa trên đánh giá cuộc trưng cầu ý dân về việc đi hay ở lại EU có thể ảnh hưởng tiêu cực tới triển vọng kinh tế và lòng tin của các doanh nghiệp, toàn bộ chín thành viên của Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) thuộc BoE tại cuộc họp ngày 12/5 đều nhất trí giữ nguyên lãi suất ở mức thấp kỷ lục 0,5% được duy trì trong suốt hơn bảy năm qua.

Biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ công bố cùng ngày nhấn mạnh rằng quyết định bỏ phiếu rời EU có thể ảnh hưởng tới triển vọng tăng trưởng, lạm phát của Xứ sở Sương mù, đồng thời làm trì hoãn các quyết định đầu tư, làm giảm nhu cầu tuyển lao động và gia tăng tỷ lệ thất nghiệp.

Những bất ổn liên quan đến quan hệ thương mại của Anh có thể sẽ khiến đồng bảng tiếp tục rớt giá, thậm chí rớt giá mạnh, sau khi đồng nội tệ này đã giảm tới 9% so với mức cao hồi tháng 11/2015 do những bất an xung quanh khả năng Anh rời khỏi EU.

Trong khi đó, Thống đốc BoE, Mark Carney lưu ý rằng những bất ổn liên quan đến cuộc trưng cầu ý dân có thể gây ảnh hưởng lan truyền sang các thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, BoE cũng cho rằng trong trường hợp đa số cử tri bỏ phiếu ở lại EU, Vương quốc Anh cũng sẽ chưa thể đón nhận ngay những tác động tích cực đối với tăng trưởng kinh tế.

Chính vì vậy, BoE đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2016 từ mức 2,2% đưa ra hồi tháng 2/2016 xuống 2% và năm 2017 và 2018 xuống còn 2,3%, thấp hơn mức dự báo lần lượt 2,4% và 2,5% đưa ra hồi tháng 2/2016.

Trong báo cáo lạm phát vừa công bố, BoE dự đoán tỷ lệ lạm phát sẽ tăng lên 0,9% trong tháng 9/2016, so với mức 0,3% trong tháng 4/2016, nếu người dân Anh bỏ phiếu ở lại EU.

Sau khi BoE ra tuyên bố trên, nhà kinh tế chủ chốt Lucy O’Carroll thuộc công ty quản lý tài sản Aberdeen Asset Management cho rằng lời cảnh báo của BoE về khả năng "Brexit" là một động thái chưa từng có, bởi ngân hàng trung ương này thường độc lập trong những tuyên bố hay quyết định của mình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.