Boeing bay thử nghiệm để kiểm tra bản vá lỗi của 737 MAX

Hãng Boeing đã tiến hành bay thử nghiệm đối với máy bay 737 MAX để đánh giá việc sửa chữa lỗi hệ thống, vốn bị cho là nguyên nhân dẫn đến hai vụ tai nạn máy bay thảm khốc vừa qua.
Boeing bay thử nghiệm để kiểm tra bản vá lỗi của 737 MAX ảnh 1Máy bay Boeing 737 MAX 8 của Hãng hàng không Garuda tại sân bay quốc tế Jakarta, Indones. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 27/3, hãng Boeing đã tiến hành bay thử nghiệm đối với máy bay 737 MAX để đánh giá việc sửa chữa lỗi hệ thống, vốn bị cho là nguyên nhân dẫn đến hai vụ tai nạn máy bay thảm khốc vừa qua.

Sau khi phải chịu nhiều sức ép về lỗi hệ thống của 737 MAX và chứng kiến dòng máy bay này bị cấm hoạt động kể từ ngày 13/3, Boeing đã kiểm tra nâng cấp hệ thống vào ngày 25/3, hai ngày sau khi các phi công của American Airlines và Southwest Airlines thực hiện các chuyến bay mô phỏng tại Renton, Washington.

Boeing hiện cần có sự chấp thuận của FAA trước khi dòng máy bay 737 MAX của hãng này có thể hoạt động trở lại. Tuy nhiên, một nguồn tin chính phủ khẳng định công ty này vẫn chưa nộp bán vá lỗi phần mềm cho FAA.

Dòng máy bay 737 MAX của Boeing đã bị cấm hoạt động sau khi tai nạn máy bay của hãng hàng không Ethiopian Airlines vào đầu tháng này cướp đi sinh mạng của 157 người và tai nạn Lion Air vào tháng 10/2018 khiến 189 người thiệt mạng. Sau hai vụ việc, các kỹ sư đã tập trung vào sai sót liên quan đến hệ thống MCAS.

MCAS là hệ thống cảnh báo an toàn tự động được lắp đặt trong mẫu 737 MAX 8 giúp máy bay tránh máy bay rơi vào trạng thái chết động cơ hay mất lực nâng vì mẫu máy bay này nặng hơn, có nhiều động cơ tiết kiệm nhiên liệu làm thay đổi chất lượng khí động lực của máy bay, có thể khiến mũi máy bay bị hướng lên cao trong một số điều kiện nhất định khi bay ở chế độ người điều khiển.

Các cảm biến góc tấn trên máy bay sẽ cung cấp dữ liệu có thể kích hoạt MCAS tự động điều chỉnh mũi máy bay chúi xuống, nếu nhận thấy có nguy cơ máy bay rơi vào trạng thái chết động cơ. Trong cả hai vụ tai nạn, phi công đã phải cố gắng kiểm soát máy bay vì lỗi cảm biến góc tấn đã khiến hệ thống MCAS được kích hoạt và liên tục tự động điều khiển mũi máy bay chúi xuống khi cất cánh.

Sau khi sửa chữa, MCAS sẽ tự động bị tắt khi dữ liệu hai cảm biến không khớp nhau. Boeing cũng định áp dụng lắp đặt đèn "đèn cảnh báo dữ liệu không ăn khớp," giúp báo hiệu khi MCAS bị lỗi cho mọi máy bay. Hiện tính năng này chỉ áp dụng cho một số hãng hàng không với mức phí cao hơn.

[Mỹ cử chuyên gia đánh giá hoạt động nâng cấp phần mềm Boeing 737 MAX]

Tổng thanh tra Bộ Giao thông Vận tải Mỹ Calvin Scovel vừa khẳng định Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) sẽ thay đổi đáng kể phương thức giám sát an toàn hàng không vào tháng 7/2019.

Tại phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ ngày 27/3, Tổng thanh tra Calvin Scovel nhấn mạnh việc cải thiện quy trình giám sát của FAA là bước quan trọng để đảm bảo cơ quan này xác định và theo dõi được những khu vực có rủi ro cao nhất trong chứng nhận hàng không, và một số vấn đề khác như đào tạo phi công để xử lý khi hệ thống bay tự động cảnh báo khẩn cấp.

Cũng tại phiên điều trần này, quyền Giám đốc FAA Daniel Elwell sẽ trình bày trước Ủy ban Thương mại Thượng viện Mỹ về sự cải tiến cách giám sát của cơ quan này sau hai vụ tai nạn máy bay Boeing 737 MAX kể từ tháng 10 năm ngoái. Những lo ngại liên quan tới độ an toàn của Boeing 737 MAX khiến hàng loạt nước "cấm cửa" loại máy bay này, gây ảnh hưởng tới việc đi lại của nhiều người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.