Boeing chưa nộp hồ sơ đăng kiểm an toàn đối với hệ thống MCAS nâng cấp

Theo bản báo dài 52 trang của Văn phòng Tổng thanh tra (IG) thuộc Bộ Giao thông Vận tải Mỹ, cả FAA và Boeing đều phạm lỗi trong phát triển và cấp phép cho dòng máy bay 737-MAX được bán ra thị trường.
Máy bay 737 MAX của Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Máy bay 737 MAX của Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tập đoàn xuất máy bay Boeing của Mỹ đã không giao nộp cho Cơ quan Hàng không Dân dụng Mỹ (FAA) hồ sơ đăng kiểm chất lượng an toàn sản phẩm đối với Hệ thống kiểm soát bay (MCAS) nâng cấp của 737-MAX - phần mềm được xác định là nguyên nhân dẫn đến 2 vụ tai nạn hàng không thảm khốc năm 2018 và năm 2019.

Đây là nội dung của bản báo cáo được hãng tin Reuters của Anh trích dẫn ngày 30/6.

Theo bản báo dài 52 trang của Văn phòng Tổng thanh tra (IG) thuộc Bộ Giao thông Vận tải Mỹ, được đóng dấu ngày 29/6 và dự kiến công bố ngày 1/7, cả FAA và Boeing đều phạm lỗi trong phát triển và cấp phép cho dòng máy bay 737-MAX được bán ra thị trường.

Từng là dòng máy bay đắt hàng nhất của Boeing, 737-MAX bị cấm bay trên toàn thế giới từ tháng 3/2019 sau 2 vụ tai nạn hàng không tại Indonesia và Ethiopia liên quan dòng máy bay này xảy ra trong vòng chưa đầy 6 tháng, khiến hơn 300 người thiệt mạng.

Hãng chế tạo máy bay hàng đầu của Mỹ đã nỗ lực khắc phục các lỗi phần mềm và nâng cấp chương trình tập huấn bay cho phi công để đảm bảo mục tiêu được cấp phép đưa mẫu 737 MAX trở lại bầu trời vào giữa năm 2020 và khôi phục uy tín cho dòng máy bay thân rộng này.

Trong bối cảnh mọi hoạt động đều đình trệ vì đại dịch COVID-19, Boeing mới đây cho rằng có thể thời điểm này sẽ lùi tới quý 3/2020. Đây có thể là lý do Boeing chưa giao nộp cho FAA hồ sơ đăng kiểm an toàn với 737-MAX.

[FAA cấp phép cho Boeing 737 MAX thực hiện các chuyến bay thử nghiệm]

FAA lần đầu tiên đánh giá lại hệ thống MCAS vào tháng 1/2019, tức 3 tháng sau vụ tai nạn đầu tiên tại Indonesia.

Một báo cáo còn dang dở của FAA chỉ rõ tỷ lệ tử vong trên chuyến bay do 737-MAX thực hiện là 2.68 ca/1 triệu giờ bay, vượt mức khuyến cáo của FAA 1 ca/10 triệu giờ bay.

Một phân tích hồi tháng 12/2018 của FAA cũng đã xác định được nguy cơ xảy ra 15 vụ tai nạn máy bay nếu máy bay 737-MAX được đưa vào khai thác sử dụng mà không sửa chữa hệ thống MCAS.

Theo báo cáo của IG, FAA hiện vẫn đánh giá mức độ an toàn của hệ thống MCAS nâng cấp trong một loạt chuyến bay thử nghiệm trong tuần này, mở đường cho dòng máy bay này sẽ được khai thác sử dụng cho các đường bay nội địa vào cuối năm 2020./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.