Bối cảnh mới, tầm nhìn mới trong quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ

Kể từ khi thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược năm 2007 đến nay, quan hệ hợp tác Ấn Độ-Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ.
Bối cảnh mới, tầm nhìn mới trong quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ ảnh 1Các đại biểu tham dự hội thảo. (Ảnh: Minh Lý/Vietnam+)

"Việt Nam-Ấn Độ: Bối cảnh mới, tầm nhìn mới" là chủ đề hội thảo khoa học quốc tế, do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 25/8 tại Hà Nội.

Tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, đã tới dự và đọc tham luận tại hội thảo.

Hội thảo có sự tham dự của Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Parvathaneni Harish, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Ấn Độ Lê Văn Toan, cùng nhiều cán bộ, chuyên gia, nhà khoa học của các viện nghiên cứu, các trường đại học Việt Nam, các cựu Đại sứ, cán bộ Việt Nam từng công tác tại Ấn Độ.

Đặc biệt, phái đoàn gồm 15 học giả, nhà nghiên cứu tại các viện chiến lược, giáo sư các trường đại học tại Ấn Độ đã tới tham dự và trình bày tham luận tại hội thảo.

Ba vấn đề chính gồm: “Bối cảnh mới, tầm nhìn mới, tác động đa chiều đến quan hệ hợp tác phát triển Việt Nam-Ấn Độ”; “Quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, năng lượng Việt Nam-Ấn Độ trong bối cảnh mới, tầm nhìn mới”; “Quan hệ hợp tác văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ Việt Nam-Ấn Độ trong bối cảnh mới, tầm nhìn mới” đã được các học giả, các chuyên gia nghiên cứu và các nhà khoa học thảo luận sôi nổi.

Hầu hết các tham luận đánh giá rằng thế giới hiện có những biến đổi to lớn, phức tạp, khó lường, ảnh hưởng mạnh đến đời sống xã hội của tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam và Ấn Độ; đánh giá cao vị thế của Ấn Độ trên trường quốc tế, vai trò quan trọng của Ấn Độ trong các vấn đề thế giới, trong đó có khu vực Đông Nam Á.

Sự trỗi dậy một cách hòa bình và có trách nhiệm của Ấn Độ sẽ góp phần tạo dựng sự ổn định và phát triển của thế giới; việc Ấn Độ điều chỉnh chính sách đối ngoại, chuyển chính sách “Hướng Đông” thành chính sách “Hành động phía Đông” sẽ tạo bối cảnh thuận lợi cho Việt Nam và Ấn Độ thúc đẩy và mở rộng quan hệ hợp tác hơn nữa.

Kể từ khi thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược năm 2007 đến nay, quan hệ hợp tác Ấn Độ-Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực chính trị, an ninh-quốc phòng, khoa học-công nghệ, kinh tế-thương mại. Tuy nhiên, kim ngạch thương mại giữa hai nước mới ở mức xấp xỉ 7 tỷ USD, chưa tương xứng với tiềm năng; hợp tác về văn hóa-giáo dục chưa thật sâu sắc.

Các đại biểu tham dự hội thảo đã đưa ra nhiều đề xuất kiến nghị Chính phủ, cũng như các cơ quan chức năng hai nước triển khai các biện pháp cụ thể như tăng cường kết nối, đặc biệt là kết nối hàng không, thành lập các trung tâm nghiên cứu văn hóa, quảng bá thúc đẩy du lịch, xúc tiến thương mại... để quan hệ hợp tác đạt những kết quả tốt đẹp hơn, hướng tới nâng quan hệ “Đối tác chiến lược” lên quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện."

Tại hội thảo, phó giáo sư, tiến sỹ Lê Văn Toan, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Ấn Độ, đã giới thiệu cuốn sách “Chiến tranh giải phóng Việt Nam và vai trò của Calcutta," phiên bản tiếng Việt, của tác giả Geetesh Sharma, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Ấn-Việt bang Tây Bengal.

Nhân dịp này, cụ Sharma vinh dự được nhận Kỷ niệm chương vì sự nghiệp phát triển của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục