BoJ: Dịch COVID-19 có thể đẩy kinh tế Nhật Bản vào tình trạng trì trệ

Dịch COVID-19 có thể đẩy nền kinh tế Nhật Bản vào tình trạng trì trệ kéo dài và cho rằng chính phủ nước này có thể sẽ phải đưa ra thêm các gói kích thích kinh tế nhằm ứng phó với khó khăn hiện tại.
Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tại Tokyo ngày 16/3 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tại Tokyo ngày 16/3 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) mới đây nhận định, dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có thể đẩy nền kinh tế Nhật Bản vào tình trạng trì trệ kéo dài, đồng thời cho rằng chính phủ nước này có thể sẽ phải đưa ra thêm các gói kích thích kinh tế nhằm ứng phó với tình hình khó khăn hiện tại.

Tại cuộc họp chính sách bất thường vào ngày 16/3 vừa qua, BoJ đã quyết định mở rộng chương trình mua tài sản, đồng thời tăng cường hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp gặp vấn đề về thanh khoản và bình ổn thị trường tài chính trước những tác động của dịch COVID-19. Đây là phiên họp bất thường đầu tiên của BoJ kể từ khi Thống đốc Haruhiko Kuroda nhậm chức vào năm 2013.

Bản tóm tắt ý kiến của hội đồng điều hành BoJ gồm 9 thành viên cho thấy, các nhà lãnh đạo BoJ đang quan ngại sâu sắc hơn về tác động của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, vốn phải đối mặt với nhiều thách thức kể từ khi nâng thuế tiêu dùng hồi tháng 10/2019.

Thậm chí, một số ý kiến còn cho rằng, kinh tế Nhật Bản có thể tiếp tục đình trệ ngay cả khi các nền kinh tế khác đã phục hồi sau cuộc khủng hoảng dịch bệnh.

[Nhật Bản cam kết chi ít nhất 137 tỷ USD ứng phó tác động từ COVID-19]

Một thành viên hội đồng điều hành BoJ cho rằng ngân hàng này có thể tiếp tục phản ứng linh hoạt với các rủi ro, thông qua các biện pháp như tiến hành các cuộc họp chính sách bất thường, tăng cường mua trái phiếu chính phủ, khi lo ngại về nguy cơ suy thoái gia tăng.

Việc nhiều nước áp đặt lệnh hạn chế đi lại trên toàn cầu, các sự kiện lớn bị hoãn hoặc hủy, bao gồm cả Thế vận hội Olympic 2020 do Nhật Bản đăng cai, cùng với sự gián đoạn chuỗi cung ứng đã làm gia tăng khả năng nền kinh tế Nhật Bản sẽ trượt dài trong suy thoái, qua đó tạo áp lực cho các nhà hoạch định chính sách nước này triển khai các biện pháp kích thích kinh tế và nới lỏng tiền tệ quy mô lớn.

Quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ trong tháng Ba của BoJ được xem là động thái tức thời nhằm giảm bớt sự căng thẳng trên các thị trường tài chính.

Ngân hàng này sẽ tập trung hơn vào việc giải quyết các khó khăn kinh tế do dịch OVID-19 gây ra tại cuộc họp chính sách vào ngày 27-28/4 tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.