BoJ tính chuyện rút giảm dần chính sách kích thích kinh tế

Sau Fed, BoJ cũng đã bắt đầu chuyển trọng tâm từ việc hỗ trợ tăng trưởng sang bàn các cách thức để thôi dần chính sách kích thích mạnh mẽ đã thực hiện.
BoJ tính chuyện rút giảm dần chính sách kích thích kinh tế ảnh 1Thống đốc BoJ Kuroda Haruhiko. (Nguồn: AFP)

Sau Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) cũng đã bắt đầu chuyển trọng tâm từ việc hỗ trợ tăng trưởng sang bàn các cách thức để thôi dần chính sách kích thích mạnh mẽ đã thực hiện.
Kích thích kinh tế là phần trung tâm trong chiến lược mà Thủ tướng Abe Shinzo đã triển khai nhằm kết thúc hai thập niên thiểu phát và tăng trưởng không ổn định của nền kinh tế.
Trong khi đó, Thống đốc BoJ Kuroda Haruhiko cam kết duy trì dòng vốn vay lãi suất thấp cho đến khi lạm phát đạt tới mục tiêu 2%.
Đến nay, Nhật Bản đã thực hiện được một nửa mục tiêu này và có những căn cứ cho thấy nền kinh tế chống đỡ với việc tăng thuế tiêu dùng được bắt đầu từ tháng trước.
Vấn đề là ông Kuroda và các quan chức BoJ muốn tránh sự hiểu lầm và gây ra những biến động trên thị trường như những gì đã xảy ra vào tháng 5/2013, khi Fed - Ngân hàng trung ương Mỹ - lần đầu tiên đánh tiếng về khả năng rút giảm các biện pháp kích thích kinh tế.
Với số tiền mà BoJ bơm vào thị trường là 60.000-70.000 tỷ yen (589-687 tỷ USD) mỗi năm, việc đánh động cho một sự thay đổi chính sách như vậy có thể gây ra những tác động tương tự và bài học cho BoJ là việc phát đi tín hiệu quá sớm hay quá cụ thể có khả năng gây ra những hệ quả không mong muốn.
Để tạo lòng tin của người dân đối với mục tiêu lạm phát mà BoJ đã đề ra, ông Kuroda thường nhấn mạnh rằng trọng tâm chính sách vẫn là ngăn chặn tình trạng thiểu phát, không có một thời hạn nào được ấn định cho việc dừng chương trình mua tài sản và BoJ sẽ không do dự trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa nếu đà phục hồi kinh tế gặp trở ngại.
Tuy nhiên, các quan chức BoJ đang tin tưởng hơn vào chính sách đã thực hiện và nếu nền kinh tế tiếp tục cải thiện thì sẽ bàn nhiều hơn đến việc sẽ duy trì chính sách kích thích kinh tế trong bao lâu sau khi chính sách này đã thực hiện trong hai năm (bắt đầu từ tháng 4/2013).
Dù vậy, vẫn chưa có sự nhất trí về vấn đề này giữa 9 thành viên hội đồng chính sách của BoJ./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.