Bốn ca tử vong do cúm ở Bình Định: Bộ Y tế họp với các chuyên gia đầu ngành

Qua điều tra, các trường hợp bệnh cúm A/H1N1pdm ghi nhận tại Bình Định là các trường hợp bệnh đơn lẻ, chưa xác định mối liên quan dịch tễ giữa các ca bệnh.

Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Trọng Khoa chủ trì cuộc họp về tình hình và đáp ứng về khám bệnh, chữa bệnh đối với bệnh cúm trên địa bàn tỉnh Bình Định. (Nguồn: Sức khỏe & Đời sống)
Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Trọng Khoa chủ trì cuộc họp về tình hình và đáp ứng về khám bệnh, chữa bệnh đối với bệnh cúm trên địa bàn tỉnh Bình Định. (Nguồn: Sức khỏe & Đời sống)

Chiều 4/12, Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, liên quan đến 4 trường hợp tử vong do cúm A/H1N1pdm ở Bình Định, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã họp trực tuyến với các ngành y tế địa phương và các chuyên gia dịch tễ, truyền nhiễm của các bệnh viện trung ương.

Đại diện Sở Y tế Bình Định, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định - nơi tiếp nhận và điều trị các ca bệnh dương tính với cúm A/H1N1pdm nặng, tử vong và các chuyên gia dịch tễ, truyền nhiễm, hồi sức tích cực, vi sinh, kiểm soát nhiễm khuẩn đến từ các viện, bệnh viện đầu ngành như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh đã tham dự cuộc họp.

Theo báo cáo tóm tắt của Sở Y tế Bình Định, tính đến ngày 26/11/2024, tỉnh Bình Định đã ghi nhận 842 trường hợp mắc bệnh cúm. Giám sát 26 trường hợp viêm phổi nặng nghi do virus, kết quả xét nghiệm có 10 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1pdm, 1 trường hợp cúm B, 9 trường hợp âm tính, 6 trường hợp chưa có kết quả. Trong đó ghi nhận 4 trường hợp tử vong tại Phú Mỹ (3 trường hợp) và Vĩnh Thạnh (1 trường hợp).

Qua điều tra, các trường hợp bệnh cúm A/H1N1pdm ghi nhận tại Bình Định là các trường hợp bệnh đơn lẻ, chưa xác định mối liên quan dịch tễ giữa các ca bệnh.

Sau khi nghe báo cáo chi tiết về 4 trường hợp tử vong dương tính với cúm A/H1N1pdm, các chuyên gia tham dự họp đã thảo luận và nhận thấy các trường hợp này đều trên 50 tuổi, có nhiều bệnh nền như tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đái tháo đường, hội chứng Cushing...; đến viện muộn, không được tiếp cận hồi sức tích cực sớm, tình trạng bệnh nhân khi nhập viện đều có viêm phổi nặng biến chứng suy hô hấp, về cơ bản không có sự bất thường.

Qua nghe các ý kiến từ các chuyên gia dịch tễ, truyền nhiễm, hồi sức tích cực, vi sinh, kiểm soát nhiễm khuẩn đến từ các viện, bệnh viện đầu ngành, Lãnh đạo Cục Quản lý Khám chữa bệnh yêu cầu cần làm thêm giải trình tự gen các ca viêm phổi virus nặng để loại trừ các chủng virus mới, các bệnh viện tuyến cuối giám sát, phát hiện sớm các ca bất thường.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, cập nhật, bổ sung Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị dự phòng cúm mùa và các chủng virus cúm; tăng cường công tác tiêm phòng cúm cho các đối tượng nguy cơ cao; tiếp tục nghiên cứu tình trạng kháng thuốc Oseltamivir.

Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng đề nghị ngành y tế Bình Định tăng cường giám sát cúm tại tất cả các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt các ca nặng, sớm phát hiện các ca cúm chủng mới. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cần tăng cường các biện pháp phòng lây nhiễm trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, thực hiện công tác phân luồng, cách ly các ca cúm nặng, phòng trường hợp phát sinh các chủng virus mới. Đồng thời cần tuân theo chỉ định và hướng dẫn của cán bộ y tế về sử dụng thuốc kháng virus trị cúm.

Liên quan đến 4 trường hợp tử vong do cúm A/H1N1pdm, trước đó, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định đề nghị khẩn trương chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh cúm, triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, hạn chế lây lan ra diện rộng.

Bên cạnh đẩy mạnh giám sát các trường hợp viêm phổi nặng và các chùm trường hợp bệnh cúm tại cộng đồng và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, kịp thời lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh, cần phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang chủ động đánh giá nguy cơ, phân tích tình hình để triển khai các biện pháp chống dịch phù hợp, kịp thời.

Sở Y tế Bình Định cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống bệnh cúm, hướng dẫn cộng đồng chủ động thực hiện tốt việc phòng bệnh, nhấn mạnh thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, che miệng khi ho, hắt hơi, không khạc nhổ bừa bãi, không tự ý mua và sử dụng thuốc kháng virus mà cần phải tuân theo chỉ định và hướng dẫn của cán bộ y tế; tuyên truyền, vận động người dân chủ động tiêm vaccine phòng bệnh cúm đối các chủng cúm đã có vaccine...

Cục Y tế dự phòng cũng đề nghị Sở Y tế Bình Định, thực hiện nghiêm việc báo cáo kịp thời, đầy đủ các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch cúm trên Hệ thống quản lý giám sát bệnh truyền nhiễm theo quy định tại Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế về hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm.

Về chủng cúm A/H1N1pdm, thông tin từ Cục Y tế dự phòng cho biết, đây là chủng cúm mùa thông thường. Virus cúm này được phát hiện đầu tiên trong đại dịch cúm năm 2009 nên có tên là pandemic (pdm).

Bệnh cúm mùa do chủng cúm A/H1N1 (còn gọi là chủng cúm lợn) là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây lan qua hắt hơi, ho khạc và tiếp xúc trực tiếp với các đồ vật bị nhiễm virus sau đó làm lây nhiễm qua đường mũi, họng. Ngoài chủng virus cúm A/H1N1, các chủng virus cúm chủ yếu khác gây bệnh cúm mùa bao gồm A/H3N2, cúm B và cúm C./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Các bệnh nhi thích thú vui chơi tại “Không gian cho em 2”. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)

Mở rộng "cánh cửa" hy vọng cho bệnh nhi ung thư

Sự phát triển của y tế hiện đại và sự hỗ trợ của xã hội đã mở ra nhiều hy vọng hơn cho bệnh nhi ung thư tại Bệnh viện Trung ương Huế, theo đó, tỷ lệ mắc bệnh được cứu sống tăng mạnh trong 20 năm qua.